Phòng, chống tội phạm trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam cho biết, chính khả năng kết nối ngày càng tăng và tính ẩn danh trên môi trường mạng cũng khiến cho không gian mạng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm phát triển.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: BTC).
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: BTC).

Tội phạm mạng gây thiệt hại lớn về kinh tế

Vừa qua, tại trụ sở UNODC tại Việt Nam, Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp cùng UNODC tổ chức sự kiện giới thiệu “Cẩm nang tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự”.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cho biết, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Tuy nhiên, chính khả năng kết nối ngày càng tăng và tính ẩn danh trên môi trường mạng cũng khiến cho không gian mạng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm phát triển. Các chuyên gia dự đoán tổng thiệt hại do tội phạm mạng gây ra sẽ tăng đều với tốc độ 15% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Trong năm 2023, thế giới đã thiệt hại khoảng 8.000 tỉ đô la Mỹ từ tội phạm mạng và con số này sẽ đạt đến 10.500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh cho biết, trong những năm gần đây, UNODC và các cơ quan tố tụng của Việt Nam, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, nâng cao năng lực cho điều tra viên, kiểm sát viên và các cán bộ tư pháp hình sự về các chủ đề liên quan đến tội phạm mạng, máy tính công nghệ thông tin truyền thông và thu thập, quản lý, sử dụng chứng cứ điện tử. Để có thể xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội nói chung, phạm tội trên môi trường mạng nói riêng, việc các cơ quan tố tụng có được chứng cứ điện tử là không thể thiếu và nhiều trường hợp có ý nghĩa quan trọng, quyết định.

Cùng chung quan điểm, TS. Lại Viết Quang, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới trên môi trường mạng. Hiện nay, hầu hết các tội phạm truyền thống cũng sử dụng môi trường mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để thực hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau gây ra những hậu quả lớn hơn, nhiều bị hại hơn, quy mô và tính chất phức tạp hơn, khiến các cơ quan thực thi pháp luật khó phát hiện và ngăn chặn hơn. Và việc thực hiện tội phạm không còn bị cản trở bởi biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định: “Để có thể phát hiện và xử lý các hành vi phạm tội trên môi trường mạng, hành vi sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông phạm tội thì việc các cơ quan tố tụng có được chứng cứ điện tử là không thể thiếu và nhiều trường hợp có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Trong thời đại ngày nay, để có thể đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, không quốc gia nào có thể đứng một mình mà không có sự hợp tác với quốc gia khác”.

Theo PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Phó Trưởng khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP HCM, hiện Việt Nam là thành viên của nhiều Công ước quốc tế về quyền con người và chống tội phạm điển hình như Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về chống tra tấn; Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước về chống tham nhũng;… Một số quy định của những điều ước quốc tế trên có liên quan đến chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự và đòi hỏi Việt Nam với tư cách là một thành viên của công ước phải có trách nhiệm tiến hành việc nội luật hoá. Đây là một minh chứng của sự tác động từ pháp luật quốc tế đến xu hướng phát triển của pháp luật quốc gia về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Cơ quan Phòng, chống Ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, với sự tâm huyết của các tác giả, trên cơ sở nền tảng các tài liệu đào tạo do UNODC cung cấp như Hướng dẫn thực hành cho yêu cầu thu thập chứng cứ điện tử xuyên quốc gia và Thực tiễn tốt về Chứng cứ điện tử (Digital Evidence Best Practice Guide) và sự đóng góp của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, các kiểm sát viên, cán bộ ngành Kiểm sát và UNODC tại Việt Nam đã đóng góp ý kiến cho quá trình soạn thảo và hoàn thiện tài liệu này.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh tin tưởng, cuốn cẩm nang sẽ là một công cụ quan trọng để có thể hỗ trợ các kiểm sát viên cũng như các cán bộ của các cơ quan tư pháp hình sự nói chung trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội bình yên, công bằng.

Sẽ rất dễ để lọt tội phạm nếu không được đào tạo chuyên sâu

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam phát biểu tại chương trình. (Ảnh: PV)

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam phát biểu tại chương trình. (Ảnh: PV)

Theo các chuyên gia, những loại tội phạm mạng đã được xác định là mối đe dọa toàn cầu gồm: Lừa đảo qua mạng; Phần mềm có chứa mã độc; Tống tiền bằng các đoạn video sex; Cài mã độc để đào tiền ảo; Làm giả email trao đổi thương mại; Tội phạm xâm hại trẻ em trên mạng… Tội phạm được thực hiện trên không gian mạng thường khó bị phát hiện, ngăn cản hay bắt giữ hơn... Với các thủ đoạn tinh vi có thể kể đến như: Sử dụng mạng thông tin truyền thông để xâm hại đối với bị hại trực tuyến với thời gian thực; sử dụng mạng thông tin truyền thông như là một phương tiện để hỗ trợ hoặc thực hiện hành vi phạm tội truyền thống. Thông qua mạng thông tin truyền thông để phát hiện, tiếp cận, kết nối, dụ dỗ, lừa gạt để sau đó thực hiện hành vi phạm tội...

Phân tích về việc sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, hệ thống các khung pháp lý quy định về việc khai thác dữ liệu điện tử nhằm phục vụ việc buộc tội, tranh tụng trong các vụ án hình sự chưa được ban hành một cách đầy đủ, thống nhất. Chưa có một quy trình chuẩn để thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh bằng kỹ thuật số khi hỏi cung bị can, lấy lời khai, thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng… Chưa có các văn bản quy định về cách thức, tiêu chuẩn khi khôi phục dữ liệu điện tử bị xóa từ các thiết bị điện tử, phương tiện điện tử…

Đồng thời, các kiểm sát viên chưa được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ để có hiểu biết sâu sắc về dữ liệu điện tử, thiết bị, phương tiện điện tử, phần mềm ứng dụng trên các thiết bị, phương tiện điện tử. Do đó, việc khai thác đầy đủ, triệt để các dữ liệu điện tử nhằm phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự gặp không ít thách thức trong sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh tội phạm.

Các điều kiện bảo đảm, hỗ trợ việc khai thác dữ liệu điện tử phục vụ việc giải quyết các vụ án theo quy định của tố tụng hình sự vẫn còn nhiều hạn chế. Việc nhận thức và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến nay vẫn chưa được các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp đánh giá cao và quan tâm một cách đúng mức, trong phạm vi cả nước. Nhiều vùng trình độ dân trí còn thấp, kém nên còn xa lạ với các thiết bị, phương tiện điện tử, kỹ thuật số.

Ngoài những khó khăn trên còn có một số thách thức, khó khăn mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải khi khai thác nguồn dữ liệu điệu tử phục vụ việc điều tra, giải quyết vụ án như: Chưa có quy định và sự thống nhất trong việc quy định nghĩa vụ của các công ty viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông phải cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật dữ liệu điện tử về người dùng bao gồm nội dung về hoạt động của họ và địa chỉ IP, các thông tin khác không thuộc nội dung sử dụng dịch vụ hoặc không có quy định thống nhất về trách nhiệm lưu giữ các dữ liệu này trong khoảng thời gian là bao lâu. Và các cơ quan tố tụng thường không thể tiếp cận trường hợp tội phạm sử dụng các phần mềm, trang web có máy chủ đặt bên ngoài quốc gia mà hành vi phạm tội được diễn ra sẽ khiến các cơ quan tố tụng càng khó thu thập được các dữ liệu điện tử nhà mạng. Việc quy định người dùng Internet bắt buộc phải thể hiện rõ danh tính không được sự thống nhất ở các quốc gia. Chưa có những công ước quốc tế điều chỉnh cụ thể vấn đề này.

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, nếu không nắm rõ công nghệ thông tin có thể bỏ lọt thông tin quan trọng. Điều đó đòi hỏi chuyên gia phải nắm rõ chứng cứ điện tử, xác nhận đối tượng tội phạm, lời nói của các chuyên gia giám định. Đơn cử như tội đánh bạc, kết quả cho thấy trang web cá độ bóng đá ở nước ngoài thì tài liệu về xâm phạm công nghệ, phát tán vi rút máy chủ ở đâu?... Hoặc tài khoản của tôi người khác sử dụng để phạm tội sẽ làm thế nào? Bởi vậy, các kiểm soát viên không được đào tạo chuyên sâu rất dễ bỏ lọt tội phạm. Nên các chuyên gia đề nghị cần có các lớp chuyên sâu từ trung ương đến địa phương. Và cuốn cẩm nang tiếp theo cần đúc kết đưa ra giải pháp thực tế, những vụ việc điển hình trong quá trình kiẻm soát điều tra...

Theo ý kiến các chuyên gia, Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003 trong việc đưa ra khái niệm chứng cứ. Theo đó, chứng cứ được hiểu là: “Những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. So với khái niệm về chứng cứ điện tử nêu trên có thể thấy quy định của Điều 86 BLTTHS sử dụng thuật ngữ “những gì có thật” sẽ không tường minh bằng sử dụng thuật ngữ “những thông tin phản ánh về hành vi phạm tội”. Mặt khác, bên cạnh quy định về chứng cứ nếu BLTTHS bổ sung quy định về “Chứng cử điện tử là một loại chứng cứ đặc biệt được thu thập từ nguồn dữ liệu điện tử” sẽ giúp các cơ quan tố tụng dễ dàng nhận biết, thu thập, bảo quản, củng cố, đánh giá và sử dụng loại chứng cứ này trong quá trình giải quyết vụ án hình sự…

Đọc thêm