Phóng sinh động vật hoang dã – thiện hay ác?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là chủ đề của phim ngắn truyền thông thứ 58 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) ra mắt. Phim đề cập đến một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay là thực trạng mua rùa (phần lớn có nguồn gốc từ tự nhiên) để phóng sinh.
Tình trạng người dân mua bán rùa và các loài động vật hoang dã khác để phóng sinh vào khu vực ao, hồ, hay sông tại các đền, chùa vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh ENV
Tình trạng người dân mua bán rùa và các loài động vật hoang dã khác để phóng sinh vào khu vực ao, hồ, hay sông tại các đền, chùa vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh ENV

Phim phác họa quá trình dài mà một cá thể rùa “phóng sinh” phải trải qua, kể từ lúc bị săn bắt khỏi môi trường sống, bị mua đi bán lại nhiều lần và cuối cùng bị đem bày bán ở một nơi xa lạ trước khi bị mua để phóng sinh. Hành trình luẩn quẩn này chỉ bị chặn lại khi may mắn có một nhà sư đã kịp thời khuyên phật tử tự nguyện giao nộp cá thể rùa cho chính quyền địa phương và không tiếp tục mua rùa để phóng sinh. Nhà sư cũng nhắn nhủ tới cộng đồng rằng phóng sinh rùa không hề mang lại sự bình an và may mắn vì hành động này chỉ kích thích nhu cầu mua bán và khiến cho nhiều cá thể rùa khác bị săn bắt ngoài tự nhiên và buôn bán trái phép.

“Ở nước ta, tình trạng người dân mua bán rùa và các loài động vật hoang dã khác để phóng sinh vào khu vực ao, hồ, hay sông tại các đền, chùa vẫn đang diễn ra phổ biến. Nhiều người quan niệm phóng sinh động vật hoang dã là một hành động tử tế, giúp mang lại may mắn cho bản thân và gia đình mà không nhận ra rằng chính hành động mà họ nghĩ là “thiện lành” đó lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của các loài rùa trong tự nhiên và đến các hệ sinh thái của chúng ta.” bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cho biết.

Có 8 loài rùa được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất, nghiêm cấm các hành vi săn bắt và buôn bán vì mục đích thương mại. Ảnh ENV

Có 8 loài rùa được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất, nghiêm cấm các hành vi săn bắt và buôn bán vì mục đích thương mại. Ảnh ENV

Việt Nam là nơi sinh sống của 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), 22 trong số đó là loài cực kỳ nguy cấp. Đặc biệt, có 8 loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất, nghiêm cấm các hành vi săn bắt và buôn bán vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến tháng 8/2024, ENV đã ghi nhận khoảng 8.450 cá thể rùa cạn và rùa nước ngọt bị tịch thu hoặc được tự nguyện chuyển giao.

Để góp phần chấm dứt tình trạng mua bán rùa phóng sinh tại các cơ sở tôn giáo, từ năm 2020, ENV đã thường xuyên chia sẻ thông tin đến 1.135 đền chùa, kêu gọi các cơ sở khuyến cáo phật tử, khách tham quan về tác động tiêu cực của hành vi mua bán, phóng sinh rùa, cũng như hỗ trợ các cơ sở này chuyển giao rùa đến các trung tâm cứu hộ.

Tình trạng mua bán rùa để phóng sinh sẽ chỉ kết thúc khi những người dân có ý định mua rùa nhận thức được rằng việc mua rùa có nguồn gốc từ tự nhiên để phóng sinh là không nên và hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý của Đạo Phật.