Phong trào thi đua yêu nước ngành Thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng

(PLVN) - Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V (2020-2025) sáng nay (1/11), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, một trong những kết quả nội bật của ngành Thanh tra 5 năm qua là đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng. 
Đại hội thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V (2020-2025) được tổ chức trực tuyến.

Thanh tra là để góp phần phòng ngừa vi phạm, tham nhũng

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ "phấn khởi nhận thấy 5 năm qua ngành Thanh tra đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho".

Theo Phó Thủ tướng thường trực, một trong những điểm nội bật là đóng góp tích cực, quan trọng của ngành Thanh tra vào công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN). Thời gian qua, ngành Thanh tra đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, phục vụ cho Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trong công cuộc đấu tranh và xử lý hành vi tham nhũng, kiến nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tài sản, đất đai có giá trị lớn, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc.

"Với vị thế là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng, thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng vào công xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" - Phó Thủ tướng thường trực nhận xét.

Chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong hoạt động Thanh tra thời gian qua, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

 Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội.

Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược quốc gia về PCTN, các biện pháp PCTN, quan tâm công tác khen thưởng bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng; tổ chức hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Ngành Thanh tra tiếp tục nỗ lực xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, chú trọng PCTN, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ngay trong ngành.

Chăm lo bồi dưỡng, đạo tạo để mỗi cán bộ thanh tra phải "kiên quyết, dũng cảm, bảo vệ lẽ phải, công lý, không bị cám dỗ, mua chuộc, không vì bị áp lực mà làm sai pháp luật, thực hiện như lời Bác Hồ dạy, mỗi cán bộ Thanh tra phải “tự mình nghiêm chỉnh và phải có đạo đức cách mạng”. 

Phó Thủ tướng thường trực lưu ý, "trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm nói chung và PCTN nói riêng, phòng là chính nên hoạt động thanh tra cho thấy là để phát hiện sơ hở, kiến nghị xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để phòng ngừa, chứ không chỉ phát hiện để xử lý, trừng phạt hành vi vi phạm. Phòng là cơ bản, quan trọng vì phòng tốt chống mới tốt, không chỉ trong việc chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn ở các lĩnh vực khác".

Nhấn mạnh đến trọng tâm là công tác thi đua, Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu ngành Thanh tra cần triển khai các phong trào thi đua có trọng tâm, trọng điểm, gắn với hoạt động chuyên môn, góp phần hiệu quả cho việc công việc của Ngành cũng như phong trào thi đua chung của cả nước.

Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị

Phát biểu khai mạc Đại hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp, những thành tích, kết quả đạt được trong 75 năm qua. Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, thời gian qua, các phong trào thi đua trong ngành Thanh tra đã có tác dụng thúc đẩy các tập thể và cá nhân trong toàn ngành Thanh tra nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của cá nhân, của cơ quan, đơn vị và của ngành Thanh tra.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh cả nước tập trung mọi nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa kiểm sát dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân; đồng thời là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Thanh tra đã tập trung vào công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội, phục vụ các mục tiêu chính trị của đất nước.

 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu khai mạc Đại hội.

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện phong trào thi đua ngành Thanh tra giai đoạn 2016 – 2020, ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng TTCP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng ngành Thanh tra cho biết, việc triển khai phong trào thi đua góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra.

Trong đó, phong trào thi đua nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tồn đọng kéo dài. Chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC có chuyển biến tích cực, cả về trình tự, thủ tục và nội dung.

Phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PTCN, nhất là trong việc tham mưu triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này. Hệ thống thể chế, chính sách được hoàn thiện, công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN được tăng cường, nhất là tuyên truyền trong hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo; mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về công tác PCTN, trong năm 2019, theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Việt Nam được 37/100 điểm, xếp thứ 96/189 quốc gia, tăng 24 bậc so với năm 2009 (xếp 120/180 quốc gia).

Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phong trào thi đua trong lĩnh vực cải cách hành chính, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng thể chế, tạo cơ chế quản lý và điều hành đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thông qua kết quả công tác khen thưởng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong 5 năm (2015-2020), toàn ngành Thanh tra đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng và Nhà nước khen thưởng, trong đó ngành Thanh tra được tặng thưởng "Huân chương Lao động hạng Nhất".

Tại Đại hội, TTCP phát động phong trào thi đua toàn ngành Thanh tra giai đoạn 2020-2025. Theo đó, các phong trào thi đua giai đoạn này sẽ bám sát thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các qui định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc KNTC, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% đối với vụ việc mới phát sinh; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên 80%; 

Triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; thực hiện tốt khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng;

Đẩy mạnh cải các hành chính, xây dựng thể chế và xây dựng Ngành; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của thanh tra các cấp.

Tiếp tục hưởng ứng 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cả về nội dung và hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và chỉ đạo của TTCP.

Đọc thêm