Phong tục vòng đời trong cái nhìn xuyên thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong đời người có một số sự kiện quan trọng gắn liền với dấu mốc cuộc đời như sinh ra, lập gia đình, qua đời… Và những dấu mốc ấy ở phần lớn các dân tộc đều được gắn với một phong tục tập quán mang ý nghĩa nhân văn nào đó, sao cho những người trong cuộc sở cầu được hạnh phúc.
 Đám tang của người H’Mông.
Đám tang của người H’Mông.

Nhưng cuộc sống là một chuỗi biến thiên không ngừng nên có những vấn đề hôm nay còn giá trị thời đại thì ngày mai đã cũ, thậm chí lỗi thời, biến tướng vì nhiều lý do. Vậy nên, để đánh giá một phong tục nhằm tiếp tục có sự nối truyền và thực hành tốt trong tương lai thì cần có cái nhìn xuyên thời gian để thấu hiểu…

Tang lễ của người H’Mông và hai góc nhìn

Năm 2019, Huyện ủy Mèo Vạc đã đưa “Đề án cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc H’Mông huyện Mèo Vạc giai đoạn 2019 - 2022 và những năm tiếp theo”. Theo đó, bên cạnh những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ thì một số nơi vẫn còn tập quán lạc hậu như đốt nhiều vàng mã, rắc rải vàng mã trên đường đưa tang, để thi hài quá lâu… Do đó, Đề án sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo nhận thức cho người dân về việc thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang lễ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Cách đây ít lâu, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã phối hợp với các nhà làm chính sách và các bên liên quan để mang đến những góc nhìn từ câu chuyện tang lễ của người H’Mông qua Tọa đàm “Đám tang văn minh”. Cần biết rằng, người H’Mông nói chung và người H’Mông ở Hà Giang nói riêng, khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, dựa trên đối tượng và nguyên nhân của cái chết mà người H’Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau. Góc nhìn được xây dựng thông qua các câu chuyện thực tiễn của những người H’Mông đến từ các cộng đồng người H’Mông khác nhau là ông Mã A Vàng ở huyện Sa Pa – Lào Cai và ông Giàng Mí Hờ ở huyện Mèo Vạc - Hà Giang.

Kể câu chuyện của mình từ góc độ của một người đảm nhiệm công việc thổi khèn trong đám ma người H’Mông, ông Mã A Vàng cho biết, xưa kia theo truyền thống tổ tiên để lại, người H’Mông không đưa người chết vào quan tài mà thay vào đó để trong “ki” (một dạng cáng, đòn khiêng đan bằng tre hoặc gỗ để đưa người chết đi chôn cất) và để trong nhà dài ngày để người chết biết mình đã chết, theo quan niệm người H’Mông.

Ông Mã A Vàng lý giải tục người chết để trong “ki” bằng một câu chuyện kể rằng vào thời xa xưa, người H’Mông cũng dùng quan tài để chôn người chết, tuy nhiên, quan tài nặng không phải ai cũng có thể khiêng ra nơi chôn cất được nên chỉ có một nhóm người khỏe làm. Sau khi chôn cất xong, nhóm người khỏe trở về và được ưu tiên mời rượu thịt ăn trước nhóm người yếu phục vụ tang lễ ở nhà. Sự bất đồng nảy sinh giữa hai nhóm này đã khiến người già trong họ tộc đi đến một quyết định dùng “ki” trong đám tang để người khỏe, người yếu đều được tham gia giúp đỡ gia chủ.

“Nhưng đến năm 2004-2005 từ sự vận động của chính quyền nhằm hướng tới nếp sống văn hóa trong việc tang, việc cưới, người H’Mông ở địa phương chúng tôi đã dần thay đổi. Chúng tôi đã sử dụng quan tài thay cho “ki”, không để người chết quá lâu trong nhà, không mổ trâu, bò tốn kém trong tang lễ. Với những gia đình chưa thực hiện theo nếp mới thì cộng đồng và chính quyền đang tiếp tục vận động. Bản thân tôi thấy việc dùng quan tài và không để người chết quá lâu trong nhà cũng không khiến ai trong họ bị lụn bại như quan niệm trước kia” - ông Mã A Vàng cho biết.

Cũng có một câu chuyện tương tự để lý giải tục dùng “ki” trong đám tang như ông Mã A Vàng, ông Giàng Mí Hờ ở huyện Mèo Vạc – Đồng Văn bổ sung thêm, trong văn hóa của mình người H’Mông quan niệm “ki” tượng trưng cho con ngựa đưa người mất về với tổ tiên. Vì thế, nếu để vào quan tài, người chết sẽ không có phương tiện để về với tổ tiên.

“Dòng họ tôi chuyên làm khèn và bản thân cũng là người thổi khèn trong đám ma, tôi thấy nhiều người H’Mông cho rằng nếu không dùng “ki”, người chết sẽ oán và làm cho dòng họ có người chết theo hoặc ốm đau, bệnh tật, lụn bại. Đám tang ông nội tôi diễn ra trong 8 ngày, 8 ngày đó chúng tôi để ông trên “ki” trong nhà, sau đó mới mang đi chôn, người trong họ bảo làm thế ông tôi vui lắm” - ông Giàng Mí Hờ kể. Từ câu chuyện của mình, ông Giàng Mí Hờ cho rằng, để thay đổi nhận thức thì phải dần dần, chứ khó mà thực hiện ngay được.

“Kéo vợ” hay “cướp vợ”?

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, liên tiếp hai vụ việc “bắt vợ” tại Mèo Vạc (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Qua sự việc, nhiều người cho rằng đây một hủ tục cần dẹp bỏ.

Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với truyền thông, TS. Dân tộc học Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, người có gần 50 năm gắn bó cùng đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía Bắc đã kể câu chuyện bản thân ông đã từng chứng kiến, thậm chí “tham gia” vào một cuộc “kéo vợ” mà ông gặp trên đường khi đi công tác vùng cao. Nguyên nhân của cuộc “kéo vợ” mà TS. Trần Hữu Sơn chứng kiến đó là do cô gái và chàng trai này yêu nhau nhưng nhà gái thách cưới cao quá: 1 con trâu, 200 lít rượu, 10 sinh ngô (khoảng 250kg), 3 con lợn to. Chàng trai nhà nghèo không thể chuẩn bị được lễ vật bèn tổ chức “kéo vợ”. Người trong cuộc của cuộc “kéo vợ” đó cũng giải thích cho ông Sơn cái lý của người H’Mông về “kéo vợ” là chỉ được thực hiện khi cặp nam nữ yêu nhau thật lòng và mục đích của tục này là rút gọn các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, kết hôn. Bản thân cô gái và chàng trai đều đồng thuận với nhau trong việc “kéo vợ” này và chính vì thế gọi là “kéo vợ” chứ không phải “cướp vợ”.

Từ góc độ là một người con của dân tộc H’Mông, cháu nội Vua Mèo - Vương Chí Sình, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT&DL, ông Vương Duy Bảo cũng khẳng định dân tộc H’Mông không có “bắt vợ”, chỉ có tục “kéo dâu”, mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp.

Theo phân tích của ông Bảo, với dân tộc Kinh, khi một đôi nam nữ muốn trở thành vợ chồng sẽ cần các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, ra mắt, kết hôn... thì dân tộc H’Mông cũng có những thủ tục gần giống như vậy. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không thực hiện được đủ các bước trên nên người dân nghĩ ra tục “kéo dâu” để rút ngắn các thủ tục, tiết kiệm chi phí và tục này được xã hội người H’Mông đồng tình, công nhận. Điều kiện tiên quyết của phong tục tập quán này là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng.

Tôn trọng sự đa dạng văn hóa nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện hành

Quay lại với câu chuyện của “Đề án cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc H’Mông huyện Mèo Vạc giai đoạn 2019 - 2022 và những năm tiếp theo”, đầu năm 2019, Huyện ủy Mèo Vạc đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Đề án từ các Ban Xây dựng Đảng Huyện ủy; lãnh đạo các xã, thị trấn và người có uy tín thuộc một số dòng họ người H’Mông trên địa bàn… Tuy nhiên, tương tự như quan điểm của ông Giàng Mí Hờ nói trên rằng, để thay đổi nhận thức thì phải dần dần, chứ khó mà thực hiện ngay được, trong thực tế, vẫn còn có những vấn đề trong Đề án khúc mắc khi cộng đồng H’Mông tại đây nhận thấy việc cải tiến chưa phù hợp với văn hóa của họ. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là các vấn đề thực hành văn hóa nên được thực hiện thế nào để vừa tôn trọng sự đa dạng văn hóa lại vừa phù hợp với cuộc sống hiện hành.

88

Phong tục kéo vợ biến tướng qua vụ việc ở Hà Giang.

Với vai trò là nhà nghiên cứu văn hóa, tham gia Tọa đàm, TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, đa dạng văn hóa giống như đa dạng sinh học nên cần được tôn trọng để nuôi dưỡng sự đa dạng. “Và để nuôi dưỡng sự đa dạng văn hóa nên bắt đầu từ sự thấu hiểu”, theo TS. Hoàng Cầm.

Ở góc độ nhà nghiên cứu độc lập về văn hóa, Thạc sĩ Nghiêm Hoa nêu quan điểm, nhìn từ góc độ quyền văn hóa thì tự do lựa chọn rất quan trọng. Sự lựa chọn đó xuất phát từ những niềm tin riêng của mỗi dân tộc nên sự tôn trọng là điều kiện then chốt để chung sống. Vì thế, theo Thạc sĩ Nghiêm Hoa, nếu muốn thay đổi tập quán - thay đổi một sự lựa chọn, luôn cần có đối thoại Nhà nước - cộng đồng…

Về tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” của người H’Mông, theo TS Trần Hữu Sơn, đây vốn là phong tục tích cực nhằm chống lại việc thách cưới cao. Người con gái cũng chủ động tham gia kéo vợ. Đôi nam nữ yêu nhau mới kéo. Tuy nhiên gần đây ở một số nơi, một số người lợi dụng để “cướp” chứ không còn “kéo” nữa. TS Trần Hữu Sơn cho rằng, hai trường hợp “cướp vợ” gần đây đã vi phạm pháp luật và phá vỡ nguyên tắc của cộng đồng.

Lý giải về sự biến tướng khiến phong tục tập quán đẹp biến thành hủ tục, thậm chí là vi phạm pháp luật, ông Vương Chí Bảo cho rằng, thời gian qua, nhiều người cố tình hiểu sai về tục “kéo dâu”, lợi dụng phong tục tốt đẹp này để làm bậy, vi phạm pháp luật. Nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương tuyên truyền, đính chính về bản chất tốt đẹp của tục “kéo dâu” và phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người lợi dụng phong tục tập quán, cố tình làm sai vì mục đích cá nhân.

Qua các góc nhìn đa chiều xuyên thời gian trên, có thể nói thực hành văn hóa luôn nằm trong bối cảnh mà nó sinh ra và đang sống. Để biết thêm và hiểu thêm về tiếng nói từ trong cộng đồng - những người quyết định thực hành văn hóa, cần những không gian cởi mở để chia sẻ góc nhìn, những ý kiến từ người trong cuộc và ngoài cuộc để văn hóa được hiểu hơn và để những quan điểm, những ý nghĩa được đối thoại.

Có quan điểm cho rằng: “Các địa phương có đồng bào H’Mông sinh sống đều coi việc vận động người H’Mông bỏ hủ tục là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tuy nhiên, không địa phương nào khẳng định hủ tục này đã vĩnh viễn bị loại bỏ khỏi cộng đồng. Nguyên nhân là những lý giải về gốc gác của tục này vốn ăn sâu vào tiềm thức của họ chưa được thấu tỏ…”.

Do đó, nên chăng để tránh sự biến tướng từ phong tục đẹp thành hủ tục thì bên cạnh việc truyền thông giúp người dân phân biệt rõ đúng, sai trong thực hiện thì cũng cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật. Có như vậy, người trong cuộc mới thấu tỏ rằng những hủ tục của chính dân tộc mình cần được thay đổi từ trong ý thức…

Đọc thêm