Phụ huynh “bảo kê học đường”: Thương con như thế, bằng mười hại con…

(PLVN) - Tuần qua, dư luận vô cùng bất bình vì một phụ huynh nam xông vào trường mẫu giáo, ra tay hành hung bé 2 tuổi chỉ vì bé này giành đồ chơi với con gái anh ta. Trên thực tế, đã có không ít câu chuyện gây bức xúc dư luận, khi phụ huynh vì bênh con mà đánh những đứa trẻ khác. Thậm chí, phụ huynh còn ra tay, hạ nhục thầy cô ngay trên bục giảng, nếu “chạm” tới con họ…
Người cha xấu xí ra tay với bé gái hai tuổi ngay tại lớp mẫu giáo đang “dậy sóng” dư luận. (Ảnh minh họa)
Người cha xấu xí ra tay với bé gái hai tuổi ngay tại lớp mẫu giáo đang “dậy sóng” dư luận. (Ảnh minh họa)

Bé gái hai tuổi cũng không tha “nói chuyện… phải trái”

Ngày 1/10/2020 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại hình ảnh 2 bé gái giành đồ chơi dẫn đến cắn nhau tại một lớp học mầm non ở Trường mầm non Trumskids (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, Lào Cai). Mọi chuyện trở nên gây tranh cãi khi ngay sau đó, camera lớp học cho thấy một người đàn ông từ bên ngoài xông vào, dùng tay liên tiếp tát, túm tóc, đánh một trong hai bé gái.

Đại diện trường mầm non cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 16h ngày 30/9, tại lớp Nhà Trẻ 24-36 tháng D2. Hai bé B.A và C.T (đều 2 tuổi), tranh giành đồ chơi với nhau trong giờ sinh hoạt. Bé B.A cắn vào tay trái bé C.T khiến bé này khóc. Lúc này, anh H. tới nhà trẻ đón con, thấy con khóc nức nở, bèn hỏi tình hình từ phía giáo viên rồi lao vào đánh bé B.A.

Điều đáng nói, lúc này trong lớp học có tới 3 giáo viên của Trường Mầm non Trump Kids. Cả 3 giáo viên đã để mặc cho vị phụ huynh trên có hành vi bạo lực đối với học sinh của mình chỉ mới 2 tuổi. Ba cô giáo này không có bất kỳ phản ứng nào được gọi là ngăn cản, hay can thiệp để dừng sự việc.

Phòng GD&ĐT Lào Cai đã cùng với đại diện trường mầm non Trumskids đến gia đình bé B.A thăm hỏi. Về sức khỏe ban đầu, bé không gặp vấn đề gì nhưng tâm lý bị ảnh hưởng, sợ sệt khi gặp người lạ. Gia đình cháu B.A lẫn cộng đồng đều vô cùng bức xúc về sự việc xảy ra, đặc biệt là chỉ vì xót con mà anh H. có hành vi bạo lực với trẻ 2 tuổi, độ tuổi các bé chưa hình thành đủ nhận thức về sự việc xung quanh.

Trước đó, vào đầu tháng 7 năm nay, dư luận xôn xao vụ việc bé lớp 1 tên N.G.K của trường Tiểu học Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình, Hòa Bình) bị phụ huynh của bạn học tấn công, gây ra thương tích ở mặt, tay và chảy nhiều máu. Người hành hung là ông Phạm Duy Đức (42 tuổi, phường Hữu Nghị, thành phố Hoà Bình).

Được biết, bé N.G.K và con trai ông Đức vốn xảy ra mâu thuẫn trong lúc chơi đùa. Mặc dù nhà trường đã có phương án xử lý về xích mích giữa hai bé nhưng ông Đức không đồng ý. Giữa buổi học của bé K., ông Đức đã đến tận trường gọi bé ra ngoài và hành hung khiến bé phải nhập viện. Ngay sau đó, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Duy Đức về tội Cố ý gây thương tích.

Sáng 11/6, mạng xã hội xôn xao trước thông tin bé trai bị một phụ huynh đánh sưng mặt chỉ vì cấu bạn xước mí mắt. Theo đó, một người mẹ nick name M.N chia sẻ việc con trai cô (tên ở nhà là Nắng, học mầm non) trong lúc trêu đùa đã vô tình cấu xước mí mắt bạn. Biết chuyện, mẹ của bạn nam này đã tới tận lớp tát Nắng trước sự chứng kiến của giáo viên và nhiều phụ huynh khác.

Vào năm 2019, một nam sinh lớp 8 (Trường THCS Quảng Ninh, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương,Thanh Hoá) cũng rơi vào cảnh tương tự khi bị phụ huynh và người thân (tổng cộng 5 người) của một nữ học sinh cùng trường xông vào trường đánh.

Nhóm 5 người đi ô tô đến trường, xông vào tấn công nam sinh L.X.C do phát hiện giữa em này và nữ sinh M.Q.H xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi. Thay vì phản ánh sự việc tới nhà trường và yêu cầu được giải quyết cụ thể, gia đình em M.Q.H đã hành hung ngược lại nam sinh có mâu thuẫn với con gái mình.

Tháng 2/2017, phụ huynh em L.Q.H. (10 tuổi, học sinh lớp 3B Trường tiểu học số 2 Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) hốt hoảng đưa con nhập viện kiểm tra điều trị khi thấy con kêu đau đầu, vùng bụng và mạn sườn phải sau khi đi học về. Nghĩ con bị bạn học hành hung, gia đình gặng hỏi thì phát hiện câu chuyện còn đáng lo ngại hơn cả chuyện bạn bè bắt nạt nhau.

Em H. cho biết, trước khi vào lớp học tiết đầu giờ chiều, em và bạn cùng lớp là N.H.P.Đ. đùa giỡn với nhau. H. không may quơ tay trúng mặt làm Đ. đau. Tưởng mọi chuyện sẽ không có gì, nhưng Đ. chạy về nhà báo lại cha. Người cha nghe con nói bị bạn đánh, bèn rủ thêm một người nữa tới trường của H. để nói chuyện “phải trái”. Thấy H. đứng ở hành lang lớp học, người cha này lao tới tấn công vào mặt, bụng và đẩy em ngã đập đầu vào tường.

Phụ huynh đánh thầy cô - vết thương khó lành

Cùng với đó, những sự việc phụ huynh vào trường đánh giáo viên xảy ra trong thời gian qua đã không còn là chuyện hiếm. Ngày 19/5, khi cô giáo Đặng Thanh Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An), bị ông Nguyễn Hồng Phúc (42 tuổi, ngụ tại địa bàn) xông vào cửa lớp và bất ngờ dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu đến vỡ mũ bảo hiểm. Sự việc này chỉ dừng lại khi được bảo vệ nhà trường can ngăn, cô Thúy đã ngã xuống nền gạch và được các đồng nghiệp đem đi bệnh viện cấp cứu.

Theo bà Lê Thị Song An, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Long An thì trước đó em học sinh - con của phụ huynh Nguyễn Hồng Phúc về nhà kể với ông nội việc mình bị cô giáo gõ vào đầu. Sáng 19/5, ông nội dẫn học sinh này đi học và có gặp trao đổi với cô giáo Thúy và được cô giáo giải thích là không hề có việc đánh học sinh. Sau khi ông nội của em học sinh trên ra về thì khoảng nửa tiếng sau, ông Nguyễn Hồng Phúc đến trường và cầm mũ bảo hiểm đánh cô giáo…

Cũng tại Long An, hơn hai năm trước, từng xảy ra một vụ việc phụ huynh học sinh hành hạ giáo viên khiến dư luận dậy sóng. Đó là trường hợp xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh, ông V.H.T ép buộc cô giáo B.T.T.N, giáo viên Trường tiểu học Bình Chánh, phải quì gối xin lỗi tại trường một cách ê chề, bởi trước đó, cô giáo đã phạt quỳ con ông…

Và năm 2019 là cô giáo ở Cơ sở Mầm non Sen Hồng, Điện Thắng Trung, Quảng Nam bị phụ huynh đánh ngất xỉu, thủng màng nhĩ. Hay sự việc xảy ra ở Trường Mầm non Việt Lào, Nghệ An. Chỉ vì nghi ngờ con bị bạo hành, một phụ huynh đã thẳng tay đánh cô giáo tới mức động thai…

Ở Nam bộ, tập quán xưa nay học trò thường gọi “thầy, cô” và xưng là “con”. Nghĩa là trong thâm tâm cũng coi thầy cô như bậc cha mẹ vì có công dạy dỗ không chỉ về kiến thức, học vấn mà cả đạo đức, tư cách làm người. Thầy cô là “cha, mẹ” ở trường của học sinh, với đạo lí truyền thống tôn sư trọng đạo. Ở những cấp học thấp, thầy cô thậm chí còn đóng cả vai trò chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ cho các học sinh bán trú.

Đành rằng, không thể phủ nhận có những trường hợp một số giáo viên có những hành vi ứng xử, hành xử không phù hợp với học sinh, thậm chí dùng các biện pháp trách phạt bằng roi vọt hơi nặng, khiến cho học sinh đau đớn, sợ hãi, còn phụ huynh thì đau lòng.

Song không vì thế, phụ huynh có quyền trừng phạt lại người thầy bằng cách xông vào trường dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, hay bắt quì gối hạ nhục. Bởi đó không chỉ là hành vi bất chấp đạo lí tốt đẹp tôn sư trọng đạo, mà còn vi phạm pháp luật.

Chúng ta hẳn còn nhớ vụ “cô giáo 3 tháng không giảng bài” xảy ra tại TPHCM. Em học sinh lớp 12 khi kể lại việc này giàn giụa nước mắt. Bởi từ trong tâm khảm, chẳng học trò nào lại không muốn thầy cô luôn vui vẻ, thân thiện, ân cần với mình. 

Có thể nói, ngày nay, phụ huynh với tâm lý “con mình là vàng”, bao bọc con thái quá, cùng với đó là sự thiếu tôn trọng người khác, chưa kể đó là bậc thầy cô. Cái tát hay bất cứ sự hành hung nào trong môi trường sư phạm cũng là điều đau lòng. Chúng ta khó có thể trách những đứa trẻ đang lớn hung dữ, khi cha mẹ chúng luôn là những tấm gương phản chiếu “khó tin” như vậy.

Giáo viên là một công dân được pháp luật bảo vệ, dù bất cứ lý do gì, không ai có quyền gây áp lực bắt cô phải quỳ gối, không ai có quyền chà đạp thân thể các cô như vậy. Sự chà đạp đó còn khiến hình ảnh nhà giáo, một nghề vốn được mệnh danh là cao quý nhất trong các nghề cao quý không còn được vẹn nguyên. Như một cái tát đau đớn vào truyền thống tôn sư trọng đạo, đó là đạo đức xã hội. Với người thầy, khi bị hạ nhục ngay trên bục giảng, trước mặt học trò mình, vết thương đó sẽ mãi mãi khó lành…

Và ở góc độ ngược lại, người thầy cũng không thể đi chệch đường ray “làm thầy”, bởi hơn bất cứ nghề nghiệp nào, thầy cô phải luôn là những kỹ sư tâm hồn, họ không chỉ dạy kiến thức mà dạy trò bằng chính nhân cách của mình… Khi mà một lời khích lệ của thầy luôn có thể thay đổi cuộc đời một con người. 

Cùng với đó, phụ huynh khi ra tay với thầy cô, khi nhân danh mình là “lá chắn” đòi công bằng cho con theo hình thức phản cảm đó, đã bằng “mười hại con”, khi hình ảnh người cha có thể hạ cẳng tay với bất kể ai, kể cả người thầy của con mình! Bạo lực sinh ra bạo lực cũng bắt nguồn từ những hình ảnh phản chiếu từ người thân, cha mẹ, thầy cô, bạn bè…

Tất cả như một tiếng thở dài, là những nốt trầm về một lối sống ích kỷ, lệch lạc của không ít phụ huynh cho rằng, chỉ con mình, chỉ cuộc sống của mình mới có giá trị… Đứa trẻ sẽ lớn lên ra sao khi thiếu những trắc ẩn, yêu thương, những sẻ chia cùng bạn bè… Là những tia nắng ấm áp làm nên cuộc sống này… 

Đọc thêm