Nói “đứng ngồi không yên” không hề sai đối với hầu hết phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường. Người thì lo, nếu nghỉ học tiếp sẽ không biết gửi con cho ai để bố mẹ yên tâm làm việc. Người thì thẳng thắn cho rằng phải nghỉ học để bảo đảm an toàn cho con em.
Chị Hoàng Hà (Trường Đại học Giao thông vận tải), là mẹ của 2 học sinh tiểu học chia sẻ: “Từ Tết đến giờ, các con được nghỉ học, mọi việc trong nhà quả có hơi xáo trộn.
Nhưng tôi ủng hộ việc kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 2, vì trẻ con đến trường nghịch ngợm, cô giáo có nhắc chắc cũng khó rửa tay thường xuyên được như ở nhà. Thời tiết thay đổi liên tục thế này, nguy cơ không biết ra sao mà lường”.
Ảnh minh họa. |
Nhiều cha mẹ cùng quan điểm với chị Hà. "Sức khỏe của con là trên hết, đi làm chủ yếu cũng là vì con. Nếu chẳng may con ốm, mình cũng phải nghỉ. Mà nghỉ chăm người ốm khác hẳn nghỉ để cách ly phòng bệnh", chị Hoàng Giang Hương (Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) nói.
Tuy nhiên, một số phụ huynh, nhất là những người có con đang học lớp 9, dù ủng hộ việc kéo dài thời gian nghỉ để phòng chống dịch bệnh Covid-19 song lại vô cùng lo lắng trước thông tin Hà Nội vẫn dự kiến tổ chức kỳ thi vào lớp 10 ngay đầu tháng 6.
Cụ thể, ngày 18/2, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021.
Dự kiến, kỳ thi sẽ được tổ chức trong 2 ngày 1 và 2/6, thậm chí còn sớm hơn kỳ thi năm 2019 1 ngày. Sáng 1/6, thí sinh thi bài Ngữ văn, chiều thi Toán. Ngày 2/6, buổi sáng thí sinh thi môn Ngoại ngữ, buổi chiều thì môn thứ 4.
Năm ngoái, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng được tổ chức vào đầu tháng 6.
Có nên giao bài để các con tự học hay cứ nghỉ thoái mái? |
Chị Thanh Huyền (làm nghề kế toán), có con trai năm nay sẽ thi vào lớp 10, phàn nàn: “Nghe tin Hà Nội không lùi lịch thi vào lớp 10, thực sự chúng tôi rất hoang mang. Các con chưa chuẩn bị tâm lý cho việc sẽ thi vào 1/6, vì cứ nghĩ có thể sẽ lùi lại”.
“Mong thành phố có chủ trương điều chỉnh, lùi lịch thi vào lớp 10, để các con có thời gian chuẩn bị tâm lý, kiến thức cho kỳ thi quan trọng này”, chị Huyền đề nghị.
Ứng phó với thời gian nghỉ học suốt 3 tuần qua để chống dịch, các trường công tại Hà Nội mới chỉ dừng lại ở việc giao bài cho học sinh bằng việc liên hệ với bố mẹ, vì chưa đủ cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức học trực tuyến. Việc giao bài cho các con tự ôn luyện và để cha mẹ đốc thúc, kiểm tra không thể là giải pháp thay thế cho việc học trực tiếp trên lớp, tương tác với các thầy cô.
Chưa kể, cha mẹ có con đang học cuối cấp thường cho con đến các lớp, trung tâm ôn luyện cho học sinh cuối cấp. Nhưng các lớp này cũng bị dừng tổ chức, một số trung tâm “rục rịch” triển khai học trực tuyến thì mới làm được vài ngày gần đây.
Vì vậy, chị Huyền và rất nhiều phụ huynh hoang mang, nếu giữ nguyên lịch thi như dự kiến của Hà Nội, thì khi nào học sinh trở lại trường sẽ buộc phải học dồn, học ép. Như vậy không tránh khỏi căng thẳng, áp lực với các em học sinh cuối cấp.
Điều đó là đi ngược tinh thần của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khi mới đây ông cho biết, Bộ sẽ công bố khung thời gian năm học, thời điểm thi THPT quốc gia, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch học tập, trên tinh thần không để học sinh vì phải học bù mà bị quá tải dẫn đến căng thẳng.