Tại cuộc Đối thoại Phòng, chống tham nhũng với chủ đề “PCTN trong lĩnh vực giáo dục”, rất nhiều phụ huynh bày tỏ họ sẵn sàng chấp nhận các khoản chi ngoài học phí cho việc học tập của con em mình.
Không muốn đứng ngoài “vòng luẩn quẩn”!
Qua kết quả khảo sát thực trạng một số vấn đề về tham nhũng trong giáo dục của TTCP, khi tuyển sinh đầu cấp, có tới 67% phụ huynh cho rằng việc bỏ chi phí để xin con em vào trường tốt là chuyện bình thường.
Về các khoản phí ngoài quy định, 56% phụ huynh đồng tình vì theo họ, việc này tạo cơ hội cho họ đóng góp thêm với nhà trường để có điều kiện dạy và học tốt hơn. Hay trong học thêm, hơn 67% phụ huynh tán thành sự cần thiết của học thêm tại trường.
Phụ huynh học sinh thậm chí còn lo mình đứng ngoài vòng "tham nhũng" - ảnh minh họa |
Tương ứng, đối với từng dạng tham nhũng trên, 70%, 58% và 84,8% phụ huynh khẳng định nhiều người quen của họ cũng làm như vậy.
Tâm lý của phụ huynh học sinh là không ai muốn đứng lẻ loi ngoài vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội. “Phụ huynh không chỉ tham gia mà còn khuyên các phụ huynh khác tham gia”, Phó Cục trưởng Cục CTN (TTCP) Ngô Mạnh Hùng nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý, tham nhũng trong giáo dục vẫn tồn tại ở một số mặt như trong dạy thêm và học thêm, trong tuyển sinh đầu cấp, trong thực hiện các khoản thu. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận thì cho biết, các hành vi tham nhũng rất khác nhau ở mỗi cấp học phổ thông và đại học.
Tuy nhiên, bản thân ông Luận cũng phải thừa nhận, công cuộc đấu tranh PCTN trong lĩnh vực giáo dục chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội và dư luận.
Tham nhũng trong giáo dục có thể không phổ biến, thiệt hại về kinh tế không nhiều song hậu quả của nó lại khá nghiêm trọng bởi phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, tới gần hết các gia đình.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN Vũ Tiến Chiến còn nhận định, một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong giáo dục đã gây tác động xấu về nhiều mặt, làm giảm uy tín của ngành, của các nhà giáo, thậm chí tổn hại tới đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Phải hiện thực hóa các cam kết trên giấy
Nhiều nhà tài trợ kiến nghị đã đến lúc phải điều phối chặt chẽ hơn, tăng cường kiểm tra quản lý tài chính trong giáo dục. Giám đốc Ngân hàng Thế giới V.Kwakwa đề xuất, Việt Nam cũng nên xem xét lại cơ cấu học phí, cơ chế tiền lương cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và các vấn đề cần được giải quyết từng bước.
Đại diện Tổ chức Minh bạch quốc tế thì cho rằng, Việt Nam hãy xác định mức độ ưu tiên để đảo bảm thành công của những nỗ lực PCTN trong giáo dục. Trước hết, tăng cường mức độ liêm chính ở một số cơ sở giáo dục, rồi nếu hiệu quả mới triển khai mở rộng.
Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman đánh giá, những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt trong việc xây dựng một hệ thống luật pháp, đặc biệt là ban hành Luật Phòng chống tham nhũng và Chiến lược Phòng chống tham nhũng quốc gia là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, những cam kết đó mới chỉ thể hiện trên giấy tờ và phải được hiện thực hóa trên thực tiễn. “Tham nhũng trong giáo dục là mối đe dọa đối với mục tiêu phát triển bền vững. Và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đồng lòng với một viễn cảnh là ngành giáo dục không thể có tham nhũng”, Đại sứ Bergman khẳng định.
Hoàng Thư