Sáng 6/3, Hội trường Bộ KH&ĐT vang lên tiếng đàn, tiếng hát của các nhóm yếu thế, đặc biệt là nhóm Hợp ca Hy vọng. Nhóm Hợp ca Hy vọng do Giáo sư Tôn Thất Triêm dẫn dắt với các thành viên là người khiếm thị, có người đang phải chạy thận 1 tuần 3 lần, nhưng bệnh tật không làm họ lùi bước.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc không dấu được xúc động. “Những bản nhạc, lời ca đẹp đẽ của người khuyết tật làm rung động lòng người, là tấm gương lan tỏa nghị lực sống và tinh thần phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn”-Thứ trưởng bày tỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội; là điểm sáng và mô hình thành công của quá trình xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam cũng cam kết các mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs) với các lộ trình cụ thể. Trong đó, có nhiều mục tiêu đã được nỗ lực hoàn thành trước thời hạn; mà điển hình là các mục tiêu về bình đẳng giới và phát triển các vấn đề xã hội.
Tiết mục do người khuyết tật trình diễn tại Chương trình. |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, cộng đồng người yếu thế Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu người. Đây là một bộ phận được quan tâm trong mọi xã hội và tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm kịp thời, sâu sát đến cộng đồng đặc biệt này. Trong các chính sách, cộng đồng yếu thế không chỉ là một bộ phận xã hội, mà còn là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển xã hội và tăng trưởng của nền kinh tế.
“Tại Bộ KH&ĐT, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược về kinh tế - xã hội, bên cạnh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xã hội; quyết tâm dành thời gian và công sức tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa với mục tiêu Vì sự phát triển của cộng đồng”- Thứ trưởng phát biểu.
Tiết mục của nhóm Hợp ca Hy vọng do Giáo sư Tôn Thất Triêm dẫn dắt với các thành viên là người khiếm thị. |
Từ đầu năm 2018, Bộ KH&ĐT, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo khuyến khích, lựa chọn một số cộng đồng người yếu thế để hỗ trợ. Theo đó, nhiều sự kiện, hành động đã được Bộ, các đơn vị trong ngành triển khai mạnh mẽ.
Trong 9 nhóm yếu thế Bộ KH&ĐT bảo trợ, có một số chị em phụ nữ đã mạnh dạn lập doanh nghiệp, tham gia sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tự hào chia sẻ, nhóm Thương Thương Handmade và HTX Tâm Ngọc là những điển hình, khi đang làm chủ cùng lúc cả 2 doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm cho người yếu thế. Cùng với đó, Hội người mù Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nữ khiếm thị và lan tỏa Chương trình Cây gậy trắng đến xã hội…
Đánh giá cao nỗ lực tự thân vươn lên của người yếu thế, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng đồng thời mong mỏi, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục dành tình cảm ấm áp đến đất nước, con người Việt Nam, tiếp tục đồng hành cùng Bộ KH&ĐT trong các nỗ lực cụ thể, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Tham dự sự kiện còn có đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Dân số của Liên hợp quốc tại Việt Nam, UNwomen tại Việt Nam và nữ đại sứ một số đại sứ quán tại Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) chia sẻ, bà nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ, đại diện cho cộng đồng phụ nữ khuyết tật Việt Nam đến từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều chung một tinh thần vươn lên, tỏa sáng nghị lực sống. Bà khẳng định, UNDP sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, tiếp tục sát cánh cùng phụ nữ, nhất là những người khuyết tật, để phá bỏ rào cản, định kiến, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa nhập, bền vững cho tất cả mọi người…
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Theo bà Tamesis, ngày Quốc tế phụ nữ là thời điểm để chúng ta cùng suy ngẫm về những tiến bộ đã đạt được, đồng thời kêu gọi thay đổi và tôn vinh những hành động dũng cảm, quyết tâm của phụ nữ, những người đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong quốc gia và cộng đồng. Tại Việt Nam, Tổ chức Liên hợp quốc có 7 người phụ nữ khuyết tật làm việc và mong muốn sẽ tuyển thêm nhân viên khuyết tật trong thời gian tới.
“UNDP tại Việt Nam chung một mong muốn với Bộ KH&ĐT, đó là hỗ trợ và trao quyền cho người khuyết tật, nhất là phụ nữ, để họ được tham gia đầy đủ và bình đẳng vào quá trình phát triển của xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau…”- bà Tamesis bày tỏ.
Chụp ảnh lưu niệm |