Phụ nữ miền núi Nghệ An: Khẳng định vị thế trong đổi thay

(PLVN) - Hạn chế tiếp cận thông tin, kiến thức còn giới hạn…, những điều này từng là rào cản khiến phụ nữ vùng cao Nghệ An lặng lẽ phía sau cánh cửa của những khó khăn. Nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các ban, ngành và sự tự vươn lên của chính mình, họ đã dần khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội, thắp sáng ngọn lửa thay đổi.
Hội liên hiệp phụ nữ huyện Quế Phong tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tuyên truyền về các chính sách
Hội liên hiệp phụ nữ huyện Quế Phong tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tuyên truyền về các chính sách

Từ gian khó vươn lên: Hành trình khẳng định giá trị

Nghệ An nơi sinh sống của hơn 11 dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu… ở những bản làng heo hút thuộc các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn. Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở đây không chỉ gánh trên vai việc chăm sóc gia đình mà còn cả những khó khăn chồng chất từ thiên nhiên khắc nghiệt và sự thiếu thốn cơ sở vật chất. Nhưng trong gian khó ấy, họ đã chứng minh được sức mạnh phi thường. Nhờ những chính sách hỗ trợ từ chương trình Bình đẳng giới và các dự án Mục tiêu Quốc gia, nhiều phụ nữ vùng cao đã không còn cam chịu sự bất bình đẳng hay phụ thuộc. Thay vào đó, họ dần trở thành những người kiến tạo sự thay đổi trong gia đình và cộng đồng.

Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, tỉnh Nghệ An xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; Thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.

Nghệ An đã và đang ưu tiên các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; cải thiện mạnh mẽ sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ đó đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền năng của phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững gia đình, cộng đồng và xã hội, giảm dần bất bình đẳng giữa nam và nữ…

Quế Phong huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An là một minh chứng cho sự nỗ lực ấy, nhằm nâng cao bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ vùng cao trong gia đình cũng như xã hội. Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Quế Phong xác định, truyền thông là một trong những “bước đi hiệu quả nhất cho chiến dịch này. Trong năm 2024, Hội LHPN huyện Quế Phong đã tổ chức các câu lạc bộ, mô hình, HTX…, thu hút cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia CLB “Phụ nữ với pháp luật”; mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo; mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch”; mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh-sạch-đẹp ”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình…

Vận động chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ nếp làm.

Vận động chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ nếp làm.

Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và hành động cụ thể của Hội LHPN phụ nữ huyện, nhiều hoàn cảnh đã thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định. Đơn cử như gia đình chị Lương Thị Hồng, trú tại bản Na Tỳ, xã Châu Thôn, từ được tham gia các cuộc truyền thông, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, về nuôi dạy con, về xây dựng gia đình hạnh phúc và những tấm gương phụ nữ vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, chị đã dần thay đổi về nhận thức, tư duy. Bắt đầu từ năm 2020, chị Hồng tham gia Tổ HTX chăn nuôi vịt bầu do Hội LHPN xã triển khai và được hỗ trợ vịt giống và thức ăn.

Từ lứa vịt đầu tiên có lãi, các lứa sau, chị tăng đàn dần và sau một năm, mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa hơn 300 con vịt bầu, mỗi năm xuất bán hơn 1.200 con, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về khoảng 60 – 70 triệu đồng. Khi có kiến thức và có tiền chăn nuôi vịt, gia đình chị Hồng còn mở bán hàng tạp hóa, kết hợp với cải tạo vườn trồng rau, đào ao thả cá, từ đây cuộc sống của gia đình chị Hồng đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Bà Lang Thị Nhân - Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Quế Phong cho biết: Thông qua các hoạt động đã góp phần tạo bước thay đổi lớn về nhận thức, tư duy và hành động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Nhiều phụ nữ DTTS đã biết sắp xếp cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo (trong vòng hơn 2 năm gần đây đã có 82 gia đình do phụ nữ làm chủ thoát nghèo); đồng thời tích cực tham gia các phong trào xã hội, nổi bật là tham gia vệ sinh môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá của đồng bào.

Quỳ Hợp cũng là huyện miền núi, tỷ lệ phụ nữ đồng bào DTTS khá cao, nhiều phụ nữ còn lam lũ. Để tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho phụ nữ vùng cao thay đổi, giảm dần bất bình đẳng giữa nam và nữ… Năm 2024 Hội LHPN huyện Quỳ Hợp đã mở các lớp tập huấn; thẩm định, cấp kinh phí hoạt động liên quan đến Dự án 8 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức hoạt động như Hội nghị triển khai, tập huấn, các diễn đàn, thành lập các mô hình: Tổ truyền thông cộng đồng, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi; thực hiện 4 gói chính sách, các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và “CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã trở thành mô hình điểm, khuyến khích chị em phụ nữ chủ động hơn trong cuộc sống và công việc…

Ngoài tổ chức các hoạt động truyền thông quy mô cấp huyện, cấp xã; các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Quỳ Hợp phối hợp với các cấp, ngành đưa các hội nghị về tận các thôn, bản; gắn với tổ chức thành lập 72 “Tổ truyền thông cộng đồng” nhằm phát huy vai trò những người ở thôn, bản vào cuộc tuyên truyền, vận động theo hình thức thường xuyên, liên tục “mưa dầm, thấm lâu” để tạo ra sự thay đổi về nhận thức, từ đó tạo ra hành động trong hội viên, phụ nữ. Nhờ đó, đã làm thay đổi tư duy cũng như nhiều chị, em phụ nữ đã thoát nghèo, thay đổi.

Chị Lương Thị Lý, trú tại bản Cà, xã Châu Quang là gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2019, được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi và hỗ trợ vay vốn ngân hàng do Hội LHPN Phụ nữ quản lý, gia đình chị mua 2 con bò sinh sản và làm chuồng trại. Quá trình nuôi đó, cán bộ Hội Phụ nữ thường xuyên lui tới động viên, hướng dẫn thêm kiến thức chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo, vươn lên làm ăn, nuôi dạy các con học hành tiến bộ.

Bình đẳng giới: Bước chuyển mình ở vùng cao

Bà Trương Thị Bích Hiệp – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳ Hợp, cho biết: Những đổi thay hôm nay là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đồng lòng và quyết tâm, mở ra một tương lai tươi sáng, nơi mỗi phụ nữ đều tự tin khẳng định giá trị của mình trong gia đình và xã hội.

Các buổi tuyên truyền được đông đảo chị em phụ nữ vùng cao tích cực tham gia.

Các buổi tuyên truyền được đông đảo chị em phụ nữ vùng cao tích cực tham gia.

Về kết quả bình đẳng giới tại Nghệ An trong năm qua, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ khẳng định: Việc tập trung vào phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dễ bị tổn thương, phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng của ngành lao động, thương binh và xã hội trong nhiều năm qua và là một trong những ưu tiên trong thời gian tới.

Nghệ An đã có những bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Công tác bình đẳng giới ở Nghệ An ngày càng được nâng cao chất lượng, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ghi nhận; từ đó góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn.

Công tác dân số tại Nghệ An không chỉ là những con số thành tích, mà còn là minh chứng cho nỗ lực chung tay vượt khó, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển bền vững.

Đọc thêm