Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, hệ thống THADS trong những năm qua đã không ngừng được củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, kỹ thuật. Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động từ trung ương đến địa phương ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Vị thế của các cơ quan THADS đã được nâng lên, công tác THADS ngày càng chuyển biến rõ rệt, kết quả THADS năm sau cao hơn năm trước một cách liên tục và ổn định.
Với số lượng 60% công chức là nữ tại Tổng cục, trong đó gần 15% lãnh đạo cấp Vụ là nữ và hơn 40% công chức, người lao động là nữ trong toàn hệ thống THADS, tập thể nữ cán bộ, công chức, người lao động của Tổng cục THADS nói riêng và hệ thống THADS nói chung đã góp phần to lớn, quan trọng vào những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Tổng cục.
Các nữ cán bộ, công chức đã cùng tập thể đơn vị tham mưu ban hành Luật THADS năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, tham mưu ban hành 57 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật THADS. Trong tập thể nữ, có 1 nữ Vụ trưởng làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Kinh nghiệm thi hành án hành chính của các nước trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam”, kết quả đề tài đã được ứng dụng vào quá trình góp ý, xây dựng Luật Tố tụng Hành chính năm 2017 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Đồng thời cũng tích cực tham mưu cho lãnh đạo bộ thực hiện công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy sau thành lập để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị.
Với vai trò quản lý, các nữ cán bộ, công chức của Tổng cục THADS cùng tập thể đơn vị đã chỉ đạo công tác thi hành án có kết quả ngày càng cao. Cụ thể, năm 2013: Đã thi hành xong 492.975 việc, đạt tỷ lệ 86,53%, tăng 97.691 việc so với năm 2012; đã giải quyết xong 28.965 tỷ 5 triệu 600 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 73,17, tăng 18.620 tỷ 438 triệu 46 nghìn đồng so với năm 2012. Năm 2015 dã giải quyết xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%, tăng 2.890 việc so với năm 2014, đã giải quyết xong 42.819 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76%, tăng 3.837 tỷ đồng so với năm 2014. Cùng với đó đã thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giảm dần các vụ việc kéo dài qua các năm, như năm 2016, đã giải quyết được 3.393 việc/3.517 việc, đạt tỷ lệ 96,44%.
Ngoài ra, các phong trào thi đua trong toàn hệ thống cơ quan THADS được đẩy mạnh và có sự tham gia tích cực từ các nữ công chức, cán bộ, người lao động như phong trào thi đua “Cán bộ tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”…
Từ năm 2011, Tổng cục THADS đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Hệ thống THADS tại Tổng cục và chỉ đạo các Cục THADS thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Cục. Quá trình hoạt động, Ban đã kịp thời kiện toàn tổ chức khi có sự thay đổi về cán bộ; tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp tổ chức và chủ động triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn hệ thống.
Theo đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Hệ thống THADS đã phối hợp với BCH Công đoàn cùng đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động cho công chức nữ trong các ngày kỷ niệm 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam thông qua các hình thức hoạt động sôi nổi như tổ chức tọa đàm, nói chuyện, đi thực tế địa phương. Trong đó đảm bảo thực hiện các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ như lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng các văn bản pháp luật Tổng cục được giao chủ trì, tăng cường sự tham gia của công chức, viên chức nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với công tác vì sự tiến bộ phụ nữ trong hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị, hàng năm, Tổng cục THADS đã hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan THADS địa phương tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật, trong đó quan tâm tổ chức thi hành các bản án, quyết định liên quan tới phụ nữ và trẻ em (phân chia tài sản của vợ, chồng sau ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng của người phải thi hành án đối với vợ, con sau ly hôn...), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Với nhiều thành tích trong các mặt công tác, đơn vị đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Cờ thi đua của Chính phủ, 6 năm liền đạt Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ. Riêng tập thể nữ, chỉ từ năm 2013 đến nay đã có 2 đồng chí được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 1 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua ngành Tư pháp, 4 đồng chí được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Tư pháp.