Phú Quang - người vẽ Hà Nội bằng âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cả cuộc đời sáng tác của mình, hầu như Phú Quang dành trọn cho tình yêu Hà Nội. Một tình yêu như ông từng thú nhận, say đắm đến cực đoan. Và Phú Quang đã khiến bao người say Hà Nội thông qua những ca từ, âm thanh tuyệt đẹp trong tác phẩm của ông.
Nhạc sĩ Phú Quang
Nhạc sĩ Phú Quang

Fanpage nhạc sĩ Phú Quang sáng 8/12 đăng: "Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại...". Lời tạm biệt ấy lấy từ một câu hát trong bài Lời rêu của ông. Người nhạc sĩ của Hà Nội đã vĩnh biệt trần gian. Nhưng tình yêu Hà Nội mê say và sâu thẳm của ông vẫn để lại cho đời trong những ca khúc bất hủ.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Trước khi công tác tại các nhà hát, làm việc cho các dàn nhạc ở Hà Nội và TPHCM, ông từng theo học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.

Phú Quang sở hữu kho tàng 600 ca khúc, đa phần viết về Hà Nội. Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ, ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, ông thiên vị với Hà Nội.

Ca khúc của ông hầu hết là những dòng hồi ức, nỗi nhớ nhung được viết khi nhạc sĩ tha hương ở Sài Gòn hơn 20 năm. Nhạc sĩ từng nói: "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng, tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác". Ông đưa phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, heo may, góc phố quen... vào nhạc của mình, từ đó vẽ nên một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn nên thơ. Nhạc sĩ nói dù đi đâu ông cũng mang theo Hà Nội trong lòng. Hà Nội của ông không có xe cộ tấp nập, kẻ bán người mua mà tĩnh lặng, lãng đãng, mơ hồ. Mảnh đất ấy ghi dấu những mối tình đã qua nhưng khó phai mờ ở từng góc phố, quán quen, con đường...

Khó có thể kể hết các ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội của ông. Nếu nói là quen thuộc nhất với người nghe cả nước, có thể kể đến: Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Chiều phủ Tây Hồ...

Những lời hát thế này đã trở thành câu hát quen thuộc ngân trên đôi môi người yêu nhạc Việt:

"Em ơi Hà Nội phố

Ta còn em mùi hoàng lan

Ta còn em mùi hoa sữa

Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ

Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm

(Em ơi Hà Nội phố)

Ngoài ra, Phú Quang còn được biết đến với nhiều nhạc phẩm khác như Đâu phải bởi mùa thu, Nỗi nhớ mùa đông, Biển nỗi nhớ và em, Mơ về nơi xa lắm, Về lại phố xưa, Nỗi buồn, Thương lắm tóc dài ơi...

Trong nhiều lần chia sẻ với báo chí, ông nói âm nhạc của mình nổi tiếng nhờ nhiều giọng ca trong đó có Ngọc Anh, Bằng Kiều, Thanh Lam, Quang Dũng, Mỹ Linh... Nhạc sĩ Phú Quang không quan trọng ai hát nhạc của mình mà quan trọng cách người đó hát như thế nào. Do đó, trong những đêm nhạc cá nhân sau này, ông hợp tác với một số giọng ca trẻ như Minh Chuyên để thể hiện vì cho rằng giọng hát của cô vừa kỹ thuật vừa truyền cảm.

Tuy nhiên, Phú Quang rất khó tính trong âm nhạc. Ông không phân biệt ai hát nhạc của mình, nhưng không cho phép sự phá cách, sáng tạo quá đà. Ông từng thẳng thừng phê bình cả những nghệ sĩ gạo cội như Thanh Lam, Thu Phương khi hát sai nốt, sai lời hoặc chưa kiềm chế cảm xúc khi thể hiện bài hát.

Nhạc sĩ Phú Quang còn sáng tác khí nhạc, nổi tiếng với bài Khát vọng và viết nhạc cho phim Bao giờ cho đến tháng mười. Ông từng phát hành hơn 15 album: Cho một người tình xa, Trong ánh chớp số phận, Mơ về nơi xa lắm, Ngoảnh lại, Phố cũ của tôi, Điều giản dị, Về lại phố xưa…

Hàng ngàn lời tiễn biệt Phú Quang đã được viết trên mạng xã hội ngày hôm nay, từ bạn bè, người thân và khán giả của ông. “Nhạc sĩ của Hà Nội” là biệt danh mà người yêu nhạc trân trọng dành cho ông. Chính Phú Quang đã khiến người ta yêu mến, thương nhớ Hà Nội hơn, kể cả khi chưa bao giờ đặt chân đến.

Tạm biệt Phú Quang, người vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp về Hà Nội, bằng lời hát và thanh âm.

Đọc thêm