Phú Quốc nỗ lực thay đổi hành vi và ứng xử đúng với nhựa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa cần tới sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền, cùng với các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, Phú Quốc là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng hơn đòi hỏi nhiều quyết sách, hành động mạnh mẽ và giải pháp căn cơ hơn.
Phú Quốc nỗ lực thay đổi hành vi và ứng xử đúng với nhựa

Nỗ lực trở thành đô thị giảm nhựa

Tại Phú Quốc những năm qua, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam là một trong những đơn vị đã liên tục phối hợp cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng người dân trong các dự án, chương trình hành động giảm rác nhựa, hạn chế ô nhiễm nhựa đại dương.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, WWF Việt Nam đánh giá, chính quyền TP. Phú Quốc trong những năm qua đã tích cực triển khai nhiều chương trình và hành động cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu “Đô thị giảm nhựa”.

Một trong những nỗ lực tiêu biểu là việc phát động và duy trì phong trào “Ngày vì Môi trường Phú Quốc” diễn ra đều đặn hàng tháng từ tháng 7/2019. Đến tháng 7/2022, phong trào đã tổ chức được 38 đợt dọn vệ sinh trên toàn địa bàn, thu hút sự tham gia của 59,000 lượt người, thu gom được 645 tấn rác thải tồn đọng trong môi trường, góp phần loại bỏ khoảng 110 tấn rác thải nhựa.

Bên cạnh nỗ lực từ phía chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng người dân cũng góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm nhựa trên đảo.

Theo đó, WWF đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tại thành phố triển khai mô hình vận động nhân dân giảm túi ni lông dùng một lần thông qua việc sử dụng túi đi chợ dùng nhiều lần.

WWF Việt Nam phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Phú Quốc triển khai chuỗi chương trình “Truyền thông và vận động giảm nhựa theo phương pháp giáo dục hành động”. Ảnh: WWF Việt Nam

WWF Việt Nam phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Phú Quốc triển khai chuỗi chương trình “Truyền thông và vận động giảm nhựa theo phương pháp giáo dục hành động”. Ảnh: WWF Việt Nam

Đồng thời, tổ chức này cũng phối hợp với Hội LHPN thành phố triển khai chuỗi chương trình “Truyền thông và vận động giảm nhựa theo phương pháp giáo dục hành động”. Nội dung bao gồm: Tập huấn về “Phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh”; Tập huấn về “Tổng quan về tình hình rác thải nhựa, giá trị bảo tồn của Phú Quốc, và phương pháp truyền thông thay đổi hành vi”; Tập huấn về “Kỹ năng truyền thông trực tuyến thông qua Facebook, Zalo, và nền tảng họp trực tuyến Google Meet”.

Trong những thành quả đáng ghi nhận, từ tháng 5-8/2022, các chi hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố đã triển khai các cuộc họp dân truyền thông và vận động đăng ký thực hiện các thực hành tốt trong tiêu dùng và xử lý rác nhựa cho khoảng 700 hộ dân tại 8 xã/phường.

Ngay sau các cuộc họp, các hộ dân đăng ký thực hành giảm nhựa, trong đó số lượng đăng ký “sử dụng túi đi chợ dùng nhiều lần” là cao nhất. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực từ chương trình phát túi đi chợ dùng nhiều lần do Ủy ban MTTQ phát động kết hợp với chương trình truyền thông thay đổi hành vi của Hội LHPN thành phố.

Sự chung tay của toàn xã hội

Về phía UBND Thành phố Phú Quốc cũng khẳng định nỗ lực phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai các mô hình giảm nhựa đại dương. Đơn cử là mô hình đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương, phối hợp giữa Phòng Kinh tế, Công ty cổ phần thương mại Khải Hoàn và WWF Việt Nam, với sự tham gia của 26 tàu cá và 2 tàu thu mua hải sản.

Kết quả giám sát thực hiện mô hình trong từ tháng 2-4/2022 cho thấy trung bình mỗi tàu cá mang về 160 – 180kg rác sau mỗi chuyến biển 15-20 ngày, thành phần rác chủ yếu là bao đựng muối (90%), còn lại là rác tái chế (chai nhựa, lon bia) chiếm khoảng 10%. Như vậy, cứ mỗi chuyến đi biển về, Đoàn tàu cá Khải Hoàn gom được từ 4 – 4,5 tấn rác, trong đó lượng rác tái chế được khoảng tầm 500kg.

Cùng với WWF Việt Nam, Phòng Tài nguyên & Môi trường và Ban Quản lý Công trình Công cộng thành phố đã triển khai mô hình điểm tham quan giảm nhựa tại khu vực tham quan Dinh Cậu – Công viên Bạch Đằng và lắp đặt các thùng rác phân loại dành cho du khách trên tuyến đường du lịch Trần Hưng Đạo. Phòng Văn hoá và Thông tin triển khai Chương trình vận động doanh nghiệp giảm nhựa nhằm kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố chung tay đồng hành với chính quyền địa phương, thực hành các biện pháp cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và quản lý rác nhựa hiệu quả.

Ngoài ra, Thành Đoàn Phú Quốc đã triển khai Chương trình xóa điểm nóng ô nhiễm rác nhựa và xây dựng các điểm tập kết xanh, và hoạt động Giờ vàng – Đổi rác lấy nhu yếu phẩm nhằm khuyến khích thói quen phân loại rác tại nguồn và bỏ rác đúng nơi quy định.

Từ cuối năm 2021 đến tháng 3/2022, Thành Đoàn Phú Quốc đã phối hợp với Đoàn Phường Dương Đông và Đoàn Phường An Thới, cùng với các đơn vị liên quan tổ chức xóa hai điểm đen ô nhiễm rác thải tại phường Dương Đông (điểm giao giữa đường Trần Phú và sân bay cũ) vào tháng 11/2021, và tại phường An Thới (khu vực chợ Ông Hòa) vào tháng 3/2022. Tổng khối lượng rác thải đã thu dọn tại hai điểm đen này là 18 tấn, trong đó có 800kg rác thải nhựa.

Trước và sau khi xóa các điểm đen ô nhiễm rác thải tại Dương Đông …

Trước và sau khi xóa các điểm đen ô nhiễm rác thải tại Dương Đông …

Và An Thới. Ảnh: WWF Việt Nam

Và An Thới. Ảnh: WWF Việt Nam

Ngay tại các điểm đen đã xóa, hai trạm tập kết xanh đã được xây dựng tại Dương Đông vào tháng 12/2021 và tại An Thới vào tháng 3/2022 với mục đích cung cấp điểm tập kết hợp vệ sinh có đủ thiết bị lưu chứa rác phục vụ cho các tiểu thương và hộ dân sinh sống và hoạt động trong khu vực, góp phần giảm thất thoát rác thải nhựa ra môi trường.

Với 3 thùng rác 660L được trang bị tại điểm tập kết xanh Dương Đông đã gom được khoảng 30kg rác nhựa mỗi ngày, góp phần hạn chế thất thoát hơn 3 tấn rác nhựa tính từ thời điểm ra mắt trạm tập kết xanh (6/12/2021) đến 31/3/2022.

Về phía cộng đồng địa phương, WWF cùng với nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh đã phát động chương trình “Nói không với rác thải nhựa, dọn vệ sinh tại các bãi biển công cộng”. Theo đó, nhóm tình nguyện viên cùng các đoàn thể và các doanh nghiệp tư nhân đã triển khai 6 đợt làm sạch bãi biển công cộng ở Hòn Gầm Ghì, Hòn Móng Tay, và Bãi biển Dinh Cậu, Mũi Hàm Rồng, Bãi Dăm (Tuyến chùa Hộ Quốc).

Trong chiến dịch này, với tổng số lượt tình nguyện viên tham gia là 339 lượt người, tổng lượng rác thu gom được lên tới 7,9 tấn rác nhựa. Chương trình này góp phần lan toả và ảnh hưởng đến cộng đồng thanh thiếu niên trên đảo.

Đến nay, ngày càng nhiều các bạn trẻ hiện đang học tập, sinh sống và làm việc tại thành phố Phú Quốc biết đến chương trình và tình nguyện tham gia góp phần làm sạch môi trường thành phố đảo.

Giáo dục cách ứng xử với nhựa

Nỗ lực của các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tại Phú Quốc đã chứng minh mối quan tâm của họ tới vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương ngày càng nhức nhối trong những năm qua.

Nhóm tình nguyện viên Phú Quốc Sạch và Xanh dọn rác dưới biển. Ảnh: Trần Văn Sanh

Nhóm tình nguyện viên Phú Quốc Sạch và Xanh dọn rác dưới biển. Ảnh: Trần Văn Sanh

Anh Trần Văn Sanh, Trưởng nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh, chia sẻ: “Nhiều công ty du lịch trên đảo đang dần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, ví dụ như thay nước đóng chai cho du khách từ chất liệu nhựa sang thủy tinh hay tổ chức các buổi dọn rác.”.

Dù vậy, thực tế cho thấy, rác thải nhựa vẫn có xu hướng ngày càng gia tăng. Bên cạnh một bộ phận người dân, du khách tâm huyết với cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, rất nhiều người vẫn còn thờ ơ với thực trạng này.

“Hiện tại, rác thải nhựa đã có những ảnh hưởng nhất định tới Phú Quốc nhưng vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt về hành vi của cả xã hội. Nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Dù họ vẫn biết rác thải nhựa là không tốt nhưng họ cho rằng vẫn chưa có ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày và ngành du lịch địa phương”, chị Nguyễn Thúy Uyên (SN 1994), thành viên của nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh, chia sẻ.

Một thành viên khác, anh Trương Nguyễn Luân (SN 1999) cho rằng cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý các vi phạm về rác thải nhựa, như vậy mới có kết quả, tạo ra sự thay đổi trong xã hội.

“Phú Quốc cần có những chế tài, chính sách mạnh mẽ hơn để yêu cầu du khách không sử dụng hay mang theo rác thải nhựa như Hạ Long, Cù Lao Chàm... Bên cạnh đó, cần giáo dục cho trẻ nhỏ từ khi còn ngồi tại trường lớp thì mới mong thay đổi được thế hệ tương lai”, anh Luân chia sẻ.

Trên thực tế, hoạt động giáo dục về thay đổi thói quen dùng đồ nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, có thể mang lại kết quả khả quan. Đơn cử là Chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về rác thải nhựa cho các em học sinh do WWF phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo và Ban quản lý Vườn Quốc gia Phú Quốc tổ chức trong tháng 4 và 5/2022.

Chương trình ngoại khóa với chủ đề rác thải nhựa cho 10 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã đem đến nhiều giá trị thiết thực, nâng cao ý thức ứng xử với rác nhựa cho hơn 1.800 học sinh tiểu học và THCS trên thành phố đảo.

Bài 3: “Bệnh nghiện nhựa" thu hẹp quãng đường tới khủng hoảng khí hậu

Đảo Ngọc và nỗi buồn“ngập nhựa”

(PLVN) - Đảo Ngọc Phú Quốc, thành phố biển đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, nức tiếng với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ, được thiên nhiên ưu ái với nhiều bãi biển và cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, điểm đến này đang phải “vật lộn” với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng nhức nhối.

Dinh Cậu ngổn ngang rác nhựa

“Tọa đại thạch đầu quy danh hiển/Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Tạm dịch nghĩa: Dinh cậu nằm ở vị trí đầu mỏm đá giống như đầu con rùa hiển linh, tiếng tăm của của Dinh cậu vang danh khắp bốn phương bể trời).

Du khách đặt chân đến đảo Ngọc Phú Quốc chắc hẳn đều đã từng nghe tới hoặc tận mắt chứng kiến cặp câu đối này tại cổng Dinh Cậu (nằm ở Khu phố 2, thị trấn Đông Dương), một điểm tham quan nổi tiếng tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Đọc tiếp>>>>>>