'Phù thủy' biến nhạc các cụ thành hàng 'hot'

(PLO) - Rất nhiều bất ngờ khi vé các chương trình nghệ thuật của “các cụ” như xẩm, nghi lễ hầu đồng hết sạch từ trước đó hàng tuần. Không chỉ những người trung tuổi mà giới trẻ cũng nô nức đi xem. Qua bàn tay của các “phù thủy”- đạo diễn yêu nghề đầy sáng tạo, xẩm, nghi lễ hầu đồng đang “rực cháy” trong thời đại @.
Một hình ảnh trong “Tứ Phủ”.
Một hình ảnh trong “Tứ Phủ”.

Lắc lư theo điệu hát chầu văn

Nếu như ví hiện tượng nghệ thuật đầu năm Bính Thân thì đó là “Tứ phủ”.  Thời gian gần đây, làng nghệ thuật Hà thành “dậy sóng” bởi sự có mặt của những đêm hầu đồng đầy tính nghệ thuật. Qua bàn tay “phù thủy” của đạo diễn Việt Tú, một không gian đậm màu sắc văn hóa tâm linh với khói nhang và phảng phất hương trầm, giữa sân khấu lộng lẫy, các diễn xướng chính trong hầu đồng được tái hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại trong “Tứ phủ”.

Chỉ trong vòng 45 phút, “Tứ phủ” đưa người xem vào một cuộc hành trình tâm linh với 3 chương: Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn. Với sự trình diễn của bà đồng và các nghệ nhân khác, vẻ đẹp tinh tế của tín ngưỡng thờ Mẫu và diễn xướng hầu đồng được hiện ra cùng âm thanh, ánh sáng cuốn hút. 

Để có được chương trình, đạo diễn Việt Tú đã dành ba năm tìm hiểu và một năm lên ý tưởng dàn dựng. Anh kỳ vọng tạo dựng được nghi lễ hầu đồng với nguồn gốc của người Việt, trả lại nguyên bản cái hay, cái đẹp, sự trong sáng, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong đạo Mẫu để giới thiệu với bạn bè quốc tế mỗi lần ghé thăm Hà Nội. Chương trình đã được diễn ra đều đặn với tần suất 12 buổi diễn/ tháng tại rạp Công Nhân. 

Trước Việt Tú, nghệ sĩ Lan Hương - “Em bé Hà Nội” cũng đưa hầu đồng lên sân khấu trong chương trình “Tâm linh Việt”. Đây cũng là lần đầu tiên, phong tục và nghi lễ thờ cúng của đạo Mẫu được đưa lên sân khấu với sự kết hợp giữa loại hình nghệ thuật dân gian, ngôn ngữ hình thể với sự tham gia thể hiện của các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ. Gắn truyền thống với hơi thở hiện đại, vì vậy, lần biểu diễn nào “Tứ Phủ” và “Tâm linh Việt” cũng được đón nhận nồng nhiệt, khán giả cùng lắc lư theo điệu chầu văn rộn rã.

Đưa Beatbox, nhạc trẻ vào nhạc “các cụ”

Nghệ thuật dân gian tạo nên “hiện tượng” ở Hà thành không thể không nhắc tới những đêm xẩm. Đêm diễn “Xẩm và đời” vinh danh nghệ thuật xẩm tại Nhà hát Lớn đã diễn ra thành công ngoài mong đợi của Ban Tổ chức. Xẩm như một dòng chảy âm thầm phản ánh cuộc sống xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại, đã phần nào được tái hiện khá rõ nét trên sân khấu “Xẩm và đời”.

Đêm diễn được bắt đầu từ những bài xẩm cổ như “Lỡ bước sang ngang”, “Cô hàng nước”, “Quyết chí tu thân”, “Anh Xẩm”… rồi bắt sang các bài xẩm lời mới về nhiều vấn đề thời sự, tâm tư của con người trong cuộc sống hôm nay như “Xẩm rau má”, “Tiễu trừ cướp biển”. 

Đặc biệt là phần xẩm kết hợp với các loại hình nghệ thuật hiện đại như Beatbox, nhạc trẻ… để làm mới xẩm được bạn trẻ hào hứng vỗ tay, nhún nhảy theo nhịp. Phần xẩm đương đại kết hợp với các loại hình nghệ thuật trẻ là một thể nghiệm, mặc dù đã tính toán rất kỹ nhưng êkip thực hiện vẫn luôn lo lắng cho sự tiếp nhận của khán giả, đặc biệt là lại đưa vào một chương trình đậm chất dân gian như thế này.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Xẩm là một nghệ thuật vô cùng độc đáo, có đủ các sắc thái âm nhạc khác nhau, có thể truyền tải được những thông điệp khác nhau nên chúng tôi muốn thông qua chương trình để chứng minh xẩm vẫn còn sức sống trong đời sống đương đại”. Ngoài “Xẩm và đời”, “Xẩm xuân 16” cũng khiến nhiều khán giả, đặc biệt khán giả trẻ náo nức.

“Xẩm xuân 16” là hoạt động mở đầu của dự án “Tinh hoa nhạc Việt”, một trong những nỗ lực của nhóm Xẩm Hà thành nhằm quảng bá hát xẩm cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Cái tên “Xẩm xuân 16” không chỉ có nghĩa là hát xẩm trong mùa xuân năm 2016 mà còn truyền tải ngụ ý về sức trẻ như tuổi 16 của nghệ thuật hát xẩm thời hiện đại.

Xẩm thập ân, Xẩm tàu điện, Xẩm nhà tơ… ngoài ra còn có những tác phẩm có ca từ gần gũi, phản ánh cuộc sống và công việc của con người hiện đại như “Xẩm trà đá”, “Xẩm chứng khoán”… những giai điệu truyền thống từng một thời đối diện nguy cơ thất truyền nay lại vang lên trong đêm nghệ thuật “Xẩm xuân 16”.

Những đêm nghệ thuật xẩm, hầu đồng luôn “cháy” vé bởi chúng là món ăn vừa lạ vừa quen. Quen là loại hình nghệ thuật dân tộc có từ hàng ngàn, hàng trăm năm, lạ là kết hợp với hơi thở đương đại. Một điều thú vị là dường như khán giả trẻ đang bắt đầu “ngấy” những chương trình ca nhạc, gameshow, nay được thưởng thực “món ăn” vừa lạ vừa quen ấy, họ dễ dàng đắm chìm, yêu thương. Qua bàn tay “phù thủy” của các nghệ sĩ tài năng đầy tâm huyết, nghệ thuật truyền thống đang “đốn tim” giới trẻ. Và nỗi lo môn nghệ thuật của “các cụ” bị thất truyền như tan biến.

Đọc thêm