PSH tăng kịch trần ngày đầu chào sàn: Có đáng “mặt” gửi “vàng”?

(PLVN) - Sự kiện cổ phiếu của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã chứng khoán: PSH) ngày đầu chào sàn (24/6) tăng kịch trần (+20%) trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy cơn sốt trong giới đầu tư tại mã này, nhưng liệu các nhà đầu tư đã gửi “vàng” đúng “mặt”?

Cổ phần vẫn tập trung

CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã chứng khoán: PSH) được ông Mai Văn Huy thành lập vào năm 2012 với lĩnh vực kinh doanh chính là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, LPG, Gas.

Theo cơ cấu cổ đông tại thời điểm 21/01/2020, PSH có tổng cộng 425 cổ đông. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Mai Văn Huy với sở hữu hơn 84 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 66,65% vốn.

Chi tiết nắm giữ cổ phiếu của Ban lãnh đạo Nam Sông Hậu thời điểm 31/12/2019. (Nguồn: Vietstock)
Chi tiết nắm giữ cổ phiếu của Ban lãnh đạo Nam Sông Hậu thời điểm 31/12/2019. (Nguồn: Vietstock) 

Theo luật Doanh nghiệp hiện hành, với tỷ lệ nắm giữ trên 65%, khả năng triệu tập và thông qua quyết định quan trọng trong Đại hội đồng cổ đông là gần như tuyệt đối.

Dòng tiền kinh doanh đang âm

Theo số liệu của bản cáo bạch thông tin, kết quả kinh doanh của Nam Sông Hậu gần đây thiếu ổn định.

Theo BCTC riêng quý I-2020, tổng doanh thu thuần Nam Sông Hậu là 1,43 nghìn tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2019 là 440,2 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 25%).

Tổng doanh thu thuần sau hợp nhất quý I-2020 là 1,59 nghìn tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2019 là 463,55 tỷ đồng (giảm khoảng 25%). Lợi nhuận gộp quý I-2020 của Nam Sông Hậu sau hợp nhất giảm khoảng 19,27 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận gộp theo BCTC riêng giảm khoảng 26,64 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, dòng tiền kinh doanh của Nam Sông Hậu trên báo cáo Lưu chuyển tiền tệ hai năm liên tiếp liên tục âm. Cụ thể, năm 2018 dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 632 tỷ đồng do tăng mạnh hàng tồn kho. Năm 2019, con số này là âm 138 tỷ đồng cũng do hàng tồn kho âm trên 300 tỷ đồng. 

 

Tốp đầu danh sách nợ thuế

Có lẽ do dòng tiền khó khăn, nên gần đây Nam Sông Hậu luôn đứng đầu danh sách nợ thuế tại địa phương. Theo số liệu của Chi cục Thuế TP Cần Thơ, số tiền nợ thuế tại thời điểm 31/12/2019 của Nam Sông Hậu là 27 tỷ đồng. Còn tại thời điểm 31/5/2020 con số này lên đến 155 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó tại công văn ngày 4/11/2019 của Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính), Nam Sông Hậu thuộc danh sách các công ty chây ỳ nợ thuế Bảo vệ môi trường bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn với con số nợ thuế lên đến hơn 500 tỷ đồng tính đến thời điểm 30/9/2019.

Tuy nhiên, tại tiểu mục “11.3 Các khoản phải nộp theo luật định”, Bản cáo bạch thông tin của PSH ghi: “Công ty thực hiện kê khai, nộp đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.”

Điều này đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của bản cáo bạch thông tin được công bố ra công chúng?

Đọc thêm