PTSC khẳng định vị thế doanh nghiệp quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với kinh nghiệm và nguồn lực vượt trội, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang tham gia thực hiện nhiều dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) trên thế giới, từng bước khẳng định vị thế của một doanh nghiệp quốc tế.

Theo lãnh đạo Petrovietnam, trên quan điểm, định hướng chiến lược của Petrovietnam trong việc phát triển dịch vụ mới bên cạnh đẩy mạnh các dịch vụ truyền thống cốt lõi, PTSC không chỉ tận dụng tối đa lợi thế quy mô và hệ sinh thái đa dịch vụ mà còn chủ động thích nghi với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Bằng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng mới và các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, PTSC đã từng bước tạo nên dấu ấn riêng, khẳng định vị thế của một doanh nghiệp xứng tầm quốc tế, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa trên bản đồ năng lượng toàn cầu.

Xưởng sản xuất chân đế trụ điện gió ngoài khơi của PTSC tại Vũng Tàu. (Ảnh: PTSC).

Xưởng sản xuất chân đế trụ điện gió ngoài khơi của PTSC tại Vũng Tàu. (Ảnh: PTSC).

Thời gian qua, PTSC đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ sang sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cụ thể, PTSC đã đấu thầu quốc tế, trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế ĐGNK, dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). PTSC cũng tham gia dự án CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc). Dự án này có tổng công suất 920 MW, là một trong những dự án ĐGNK lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 19/05/2023, PTSC và Công ty Ørsted Taiwan Ltd (Ørsted) đã ký kết Hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án.

Để giành được hợp đồng quốc tế quan trọng này, PTSC đã vượt qua 6 vòng lựa chọn và phê duyệt khắt khe, chứng minh năng lực cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế. Dự án bao gồm 33 chân đế, mỗi chân đế cao khoảng 85m và nặng khoảng 2.300 tấn, 100% được thực hiện tại Việt Nam.

Trong quá trình triển khai, PTSC đã đầu tư hệ thống nhà xưởng sơn chống ăn mòn hiện đại bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hệ thống này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu mà còn vượt xa yêu cầu trong lĩnh vực dầu khí truyền thống, tạo điều kiện để xuất xưởng những cấu kiện cao đến 40 mét một cách an toàn và hiệu quả.

PTSC cũng đã huy động một trong những cần cẩu lớn nhất thế giới - hệ thống cần cẩu Ring Crane với sức nâng lên đến 2.350 tấn. Đây là lần đầu tiên công nghệ hiện đại này được vận hành tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong khả năng xử lý các thiết bị siêu trường siêu trọng của doanh nghiệp.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng này là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử hoạt động, phát triển của PTSC, đánh dấu sự thay đổi tư duy, chuyển dịch, mở rộng mô hình sản xuất từ đơn chiếc, sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ với hàng trăm thiết bị hiện đại và số lượng nhân sự lớn. Những bước chuyển đổi này đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án, đồng thời nâng cao vị thế của PTSC trên bản đồ công nghiệp chế tạo toàn cầu.

Lãnh đạo Petrovietnam, PTSC trong một lần khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Na Uy.

Lãnh đạo Petrovietnam, PTSC trong một lần khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Na Uy.

Đến nay, dự án đã trải qua 9 triệu giờ an toàn, là minh chứng cho năng lực, kinh nghiệm của PTSC có khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất trong ngành công nghiệp ĐGNK. Sự kiện hạ thủy và bàn giao lô 4 chân đế đầu tiên cho khách hàng cũng là bằng chứng sống động chứng minh khả năng làm chủ chuỗi cung ứng ĐGNK của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Ngoài việc góp phần mang lại doanh thu, ngoại tệ, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, việc thực hiện Dự án còn giúp tạo việc làm cho hơn 3.000 người lao động của PTSC và gần 100 nhà thầu phụ; giúp các doanh nghiệp trong khu vực nâng cao năng lực sản xuất hàng loạt theo chuỗi, tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK).

Khẳng định năng lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Tiếp theo thành công tại dự án ĐGNK CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ ĐGNK cho dự án ĐGNK với quy mô lớn hơn dự án CHW2204 của khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương. PTSC sẽ chế tạo 100% chân đế tại xưởng ở Vũng Tàu và cung cấp các chân đế ĐGNK cho khách hàng. Dự án sẽ tiếp tục tạo ra hơn 2.000 việc làm trong thời gian khoảng 2 năm. Việc ký Thỏa thuận nhà thầu ưu tiên (PSA) đánh dấu cột mốc quan trọng, chính thức hóa việc khách hàng lựa chọn PTSC cho việc triển khai thực hiện gói thầu. Cùng với dự án CHW2204, việc đấu thầu và trúng thầu dự án này một lần nữa càng khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ĐGNK toàn cầu.

Bên cạnh các dự án chế tạo chân đế trụ ĐGNK, PTSC còn khẳng định năng lực ngày càng hoàn thiện trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tổng thầu các trạm biến áp cho các công trình ĐGNK.

Nhà xưởng sơn được PTSC đầu tư bài bản, có quy mô và hiện đại bậc nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhà xưởng sơn được PTSC đầu tư bài bản, có quy mô và hiện đại bậc nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trang trại ĐGNK Baltica (Baltica OWF) là một trong những dự án ĐGNK lớn nhất thế giới, được quy hoạch phát triển tại khu vực Biển Baltic thuộc lãnh hải Ba Lan. Đây cũng sẽ là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất của Ba Lan từ trước đến nay. Dự án này được phát triển bởi liên doanh giữa Tập đoàn Điện lực Quốc gia Ba Lan (Polska Grupa Energetyczna - PGE) và Ørsted A/S, một trong những công ty dẫn đầu toàn cầu về phát triển ĐGNK.

Dự án thành phần Baltica 2 OWF, giai đoạn phát triển đầu tiên của trang trại điện gió Baltica OWF, sẽ có công suất khoảng 1,5GW và dự kiến được đưa vào vận hành vào cuối năm 2027. Liên danh Semco Maritime và PTSC M&C đã được trao thầu Tổng thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo cho bốn trạm biến áp ngoài khơi (OSS) có công suất 375 MW mỗi trạm và bốn hệ thống khung hỗ trợ cho dự án Baltica 2 OWF. Các cấu kiện chính của dự án sẽ được chế tạo tại thi công tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC tại thành phố Vũng Tàu, một căn cứ cảng trọng điểm ở khu vực phía Nam Việt Nam. Các cấu kiện này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải năng lượng được tạo ra từ các turbine gió ngoài khơi về lưới điện quốc gia một cách an toàn và hiệu quả. Lễ khởi công đánh dấu giai đoạn thi công, chế tạo cho dự án và dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2026.

Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp ĐGNK sang châu Âu, thị trường hàng đầu thế giới về ĐGNK, bên cạnh 5 trạm biến áp khác đã và đang xuất khẩu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này càng khẳng định năng lực của PTSC trong chuỗi cung ứng NLTTNK không chỉ cho Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Dự báo thời gian tới, PTSC sẽ rất bận rộn với nhiều dự án lớn được triển khai. (Ảnh: PTSC).

Dự báo thời gian tới, PTSC sẽ rất bận rộn với nhiều dự án lớn được triển khai. (Ảnh: PTSC).

Việc trúng thầu và thực hiện hàng loạt các hợp đồng lớn trong lĩnh vực NLTTNK trong thời gian vừa qua đã trở thành những bước khởi đầu vững chắc, giúp Petrovietnam/ PTSC góp phần hiện thực hóa Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện 8); từng bước hình thành nên Trung tâm công nghiệp NLTTNK tại Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp NLTTNK hoàn chỉnh với nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động trong việc thực hiện các dự NLTTNK tại Việt Nam trong tương lai và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đọc thêm