QH muốn giám sát hiệu quả nên "vi hành" gặp người dân trước

Góp ý về việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, thay đổi hình thức, từ giám sát qua báo cáo sang giám sát kiểu “vi hành” để “gặp người dân trước, gặp "quan" sau” mới hy vọng tăng cường hiệu quả của hoạt động này...

Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012; chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 - 2012 là những nội dung được đưa ra xin ý kiến ĐBQH sáng qua- 8/11 cho Chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu   Quốc hội tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát tại   Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: MH
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam kiểm tra, giám sát tại Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: MH

Đa số các ĐBQH bày tỏ tán thành những nội dung này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung bảo hiểm y tế và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bởi hai lĩnh vực này hiện đang có nhiều bất cập, tồn tại, cần được giám sát để kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề nhiều ĐBQH quan tâm là “đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội vì kết quả giám sát chưa tương xứng với thời gian, công sức, tiền bạc được đầu tư vào hoạt động này”.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh, “vấn đề không phải giám sát nội dung gì mà phải đánh giá những việc đã làm, những việc yêu cầu Chính phủ thực hiện. Nếu không chỉ tốn công tốn sức, nói nhiều năm mà không có hiệu quả gì. Từ đó, có biện pháp để cùng Chính phủ có giải pháp chủ trương giải quyết những tồn tại, hạn chế”. Tán thành, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, các Ủy ban của QH và Hội đồng Dân tộc cần giám sát các vấn đề cụ thể, chất vấn, truy vấn đề tận cùng vấn đề, “chứ nếu chỉ đọc báo cáo rồi về thì giám sát không hiệu quả”.

Cùng quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) là “thay đổi hình thức, từ giám sát qua báo cáo sang giám sát kiểu “vi hành” để “gặp người dân trước, gặp "quan" sau” mới hy vọng tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát”. Một số ĐBQH nhấn mạnh, phải giám sát tại cơ sở, thu thập được ý kiến của nhân dân về các vấn đề bức xúc rồi mới giám sát qua báo cáo của các cơ quan chức năng. Đồng thời, “giảm quan chức các Bộ, ngành, tăng số lượng chuyên gia, nhà khoa học tham gia đoàn giám sát”.

ĐB Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) đề nghị, giám sát chuyên đề phải làm rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, nhất là trách nhiệm cá nhân. Còn giám sát thường xuyên về thực hiện lời hứa với cử tri của các cơ quan Chính phủ để khắc phục tình trạng các vấn đề hậu giám sát không được quan tâm, phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đánh giá chưa cao về hiệu quả hoạt động giám sát của các Ủy ban (dưới hình thức giải trình), ĐB Nguyễn Văn Tiên (tỉnh Tiền Giang) kiến nghị tăng cường các phiên giải trình ở tất cả các UB của Quốc hội và có thể chọn báo cáo giám sát của UB mang tính thời sự để thảo luận tại QH. Đồng thời, yêu cầu các báo cáo về hoạt động tư pháp phục vụ cho hoạt động giám sát “phải phân tích sâu, cụ thể những vấn đề vướng mắc, để sửa ngay nếu là vướng mắc về pháp luật, chứ để 1-2 mới điều chỉnh sẽ mất tính hiệu quả, không để năm nào cũng giám sát nhưng kết quả không sâu như hiện nay”.

Huy Anh

Đọc thêm