Được cấp phép vẫn bị cưỡng chế?
Trong đơn phản ánh gửi tới báo PLVN, bà Phạm Thị Kim Thu ngụ tại đường Thạnh Xuân 52 (phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM) bày tỏ hết sức bức xúc vì số tiền tích cóp cả đời giờ đã tan thành tro bụi.
Theo phản ánh, thửa đất số 4014, tờ bản đồ số 4 thuộc phường Thạnh Xuân có diện tích gần 1,7 ngàn m2 có mục đích sử dụng là đất rau màu đã được cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Nguyễn Thị Thu từ năm 2001. Năm 2003, bà Nguyễn Thị Thu chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Hướng. Ông Hướng có xây dựng một căn nhà chính dạng nhà núi có tường gạch, mái bê tông cốt thép với diện tích hơn 200m2 và một số công trình phụ để chăn nuôi. Năm 2007, ông Hướng được UBND Quận 12 tạm cấp số nhà là số 400 đường Thạnh Xuân 52.
Cũng trong năm 2007, ông Hướng chuyển nhượng thửa đất này cho ông Nguyễn Quang Trung. Sau khi ông Trung mất, người vợ là bà Nguyễn Thị Mai tiếp tục quản lý, sử dụng. Tháng 10 năm 2018, bà Mai chuyển nhượng phần đất và căn nhà nêu trên cho bà Phạm Thị Kim Thu. Trong quá trình chờ sang tên, bà Thu đề nghị bà Mai làm hồ sơ xin giấy phép sửa chữa cải tạo lại vì nhà đã xuống cấp nên bà Mai cũng đồng ý hỗ trợ cho bà Thu vì lúc này thửa đất vẫn đang đứng tên bà Mai.
Đến ngày 03/01/2019, UBND phường Thạnh Xuân mới lập biên bản xác minh hiện trạng và cho phép bà Mai thực hiện sửa chữa với diện tích 17 x 18m = 306m2, trong đó nêu rõ cho phép bà Mai được nâng nền, thay mái... Tuy nhiên lúc này Giấy CNQSDĐ đã được sang tên cho bà Thu. Cho rằng việc sang tên này cũng không ảnh hưởng gì tới vấn đề giấy phép nên bà Thu không đi xin lại giấy phép mà dựa vào giấy phép phường Thạnh Xuân đã cấp cho bà Mai để tiến hành sửa chữa, cải tạo lại căn nhà.
Trong suốt quá trình xây dựng, gia đình bà Thu có cải tạo, xây dựng thêm một số công trình phụ nhưng không có giấy phép nên đã bị các lực lượng chức năng lập biên bản, gia đình bà Thu cũng đã nộp phạt và chấp hành tự tháo dỡ. Riêng căn nhà chính (khu 1- theo bản vẽ thiết kế) là công trình đã được UBND phường Thạnh Xuân cấp phép cho bà Mai sửa chữa cải tạo căn cứ trên hiện trạng của căn nhà núi đã được ông Hướng xây dựng từ khoảng năm 2003 và được quản lý, sử dụng của ông Hướng cũng như ông Trung, bà Mai sử dụng suốt gần 20 năm qua. Chính điều đó nên dù nhiều lần đến kiểm tra, thanh tra, lực lượng chức năng đều không có ý kiến gì tới việc sửa chữa, cải tạo căn nhà chính này vì nó đúng với hiện trạng cũ và được UBND phường Thạnh Xuân cấp phép đầy đủ.
Thế nhưng, ngày 12/4/2023, UBND phường Thạnh Xuân ban hành Thông báo về việc thu hồi Biên bản xác minh hiện trạng công trình sửa chữa cải tạo ngày 03/01/2019 cho bà Nguyễn Thị Mai vì lý do UBND phường Thạnh Xuân cấp không đúng đối tượng do thửa đất này đã được sang tên cho bà Phạm Thị Kim Thu trước ngày vào ngày 27/11/2018 (ngày bà Mai xin cấp phép là 30/10/2018 đến ngày 03/01/2019 mới được cấp phép). Điều trớ trêu là khi ra thông báo thu hồi việc cấp phép sửa chữa, cải tạo cho bà Mai thì gia đình bà Thu đã bỏ nhiều tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo xong căn nhà nói trên và chuyển vào ở ổn định đã nhiều năm.
Việc thu hồi giấy phép sửa chữa cải tạo này là tiền đề Quận 12 ra quyết định buộc khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc bà Thu phải nộp lại số tiền gần 64 triệu đồng được cho là đã thu lợi bất hợp pháp do có hành vi “chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị”.
Ngày 31/5/2023, Chủ tịch UBND Quận 12 ra Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với bà Phạm Thị Kim Thu.
|
Ngôi nhà sau khi bị cưỡng chế |
Mồ hôi công sức tích cóp cả đời tan thành tro bụi bởi 1 quyết định
Trước nguy cơ toàn bộ mồ hôi công sức tích cóp cả đời tan thành tro bụi, bà Thu đã nhiều lần gửi đơn cứu xét, mong chính quyền địa phương chiếu cố, xem xét lại, nhưng không được chấp nhận.
Không còn cách nào khác, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Thu đã tiến hành khởi kiện các quyết định cưỡng của Chủ tịch UBND Quận 12 và đã được TAND TP. Hồ Chí Minh thụ lý vào ngày 12/7/2023.
Bà Thu đã đã thông báo cho UBND Quận 12 cũng như UBND phường Thạnh Xuân biết về việc mình đã tiến hành khởi kiện và được TAND Thành phố thụ lý, chờ xử lý. Khi có bản án có hiệu lực thì gia đình bà sẽ tuân thủ đầy đủ, còn trước mắt đề nghị chính quyền địa phương tạm thời cho giữ lại hiện trạng để chờ sự phân xử của tòa, tránh trường hợp sau này oan sai thì không thể khắc phục. Nhưng UBND phường Thạnh Xuân vẫn liên tục thúc ép để tiến hành cưỡng chế toàn bộ công trình vào ngày 9/8/2023.
Ngày 28/7/2023, TAND Thành phố triệu tập bà Thu và Chủ tịch UBND Quận 12 lên để ghi nhận ý kiến các bên. Trong buổi làm việc này, dù Chủ tịch UBND Quận 12 không trực tiếp có mặt, tuy nhiên người được Chủ tịch UBND Quận 12 ủy quyền có ý kiến “Trong quá trình giải quyết vụ án, đề nghị Tòa án xem xét các tình tiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, UBND Quận 12 sẽ chấp hành theo quyết định của Toà án”.
Thế nhưng, biên bản này lại không được cấp cho các đương sự, dù bà Thu có yêu cầu được cấp. Mãi đến cuối tháng 8, sau nhiều lần yêu cầu thì TAND Thành phố mới cấp, nhưng lúc này căn nhà chính của bà Thu đã bị cưỡng chế, thành đống đổ nát.
Trước đó, vào ngày 29/6/2023, bà Thu đã có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giữ nguyên hiện trạng. Tiếp đó trong các ngày 01,02 và 06/8/2023, người đại diện của bà Thu liên tục đề nghị TAND Thành phố giữ nguyên hiện trạng, đợi kết quả phân xử của tòa án. Khi có kết quả thì gia đình bà sẽ chấp hành vì đây là công trình đã tồn tại hàng chục năm trước, chứ không phải bây giờ mới có. Hơn nữa, đây không phải là khu vực cần giải tỏa khẩn cấp để phục vụ dự án, công trình cấp bách nào, do vậy việc chưa cưỡng chế để chờ tòa phân giải cũng không ảnh hưởng gì tới an ninh trật tự hay thiệt hại bất cứ vấn đề gì, nhưng đều không được chấp nhận,
Theo đó, trong Thông báo số 134/ATTP-THC ngày 05/7/2023 của TAND Thành phố gửi cho bà Thu thì, “Xét đơn yêu cầu của bà Phạm Thị Kim Thu không chứng minh được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết theo quy định tại Điều 61 Luật Tố tụng Hành chính. Do đó, TAND TP.HCM không có căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của bà”.
Ngày 18/7/2023, UBND phường Thạnh Xuân cũng đã gửi văn bản cho TAND Thành phố xin ý kiến, có cần giữ lại hiện trạng để chờ kết quả của Tòa. Ngày 24/7/2023, TAND Thành phố có văn bản phúc đáp cho phường Thạnh Xuân, “TAND Thành phố đã ban hành Thông báo số: 134/TATP-THC ngày 05/7/2023 về việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Không đồng ý, bà Phạm Thị Kim Thu Khiếu nại. Ngày 20/7/2023, Chánh án TAND Thành phố đã có quyết định giải quyết khiếu nại số 403/2023/QĐ-GQKN, có nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Phạm Thị Kim Thu. Ngày 24/7/2023, bà Thu gửi đơn cứu xét khẩn cấp đến TAND Thành phố”./.