Quản chặt hỗ trợ nhân đạo trong công tác nuôi con nuôi

(PLVN) - Hơn 7 năm qua kể từ khi thực hiện Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em. 
Một buổi lễ giao nhận con nuôi nước ngoài.
Một buổi lễ giao nhận con nuôi nước ngoài.

Nhưng công tác này thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, trong đó có việc một số cơ sở trợ giúp xã hội còn “gắn” giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài với vấn đề hỗ trợ tài chính của cha mẹ nuôi là người nước ngoài.

Thực tiễn áp dụng quy định vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho thấy, sau khi hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi tại Việt Nam, cha mẹ nuôi nước ngoài thường tự mình hoặc thông qua tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hỗ trợ tài chính dưới hình thức các khoản tặng cho, hỗ trợ cơ sở trợ giúp xã hội của con nuôi.

Đây là các khoản hỗ trợ tự nguyện, không cố định với nhiều mức độ khác nhau, phát sinh nhiều lần trong năm đối với cơ sở trợ giúp xã hội. Các khoản hỗ trợ này đã góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, điều kiện sống, nhu cầu khám chữa bệnh… của trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội, khi ngân sách nhà nước chưa đủ để đáp ứng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), đã phát sinh không ít bất cập trong vấn đề này. Về phía các cơ sở trợ giúp xã hội, nhiều trường hợp khi tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tặng cho trực tiếp từ cha mẹ nuôi nước ngoài hoặc thông qua tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc thậm chí không nắm được các quy định pháp luật. 

Đáng chú ý là việc tặng cho, hỗ trợ trong một số trường hợp được thực hiện trực tiếp giữa cha mẹ nuôi nước ngoài với cơ sở trợ giúp xã hội, phần lớn không có hóa đơn chứng từ, không có mức cố định giữa các cha mẹ nuôi của từng tổ chức trong một nước và giữa các nước với nhau. Điều đó dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý nhà nước khó theo dõi, kiểm tra và giám sát việc tiếp nhận, sử dụng các khoản hỗ trợ, tặng cho này được bảo đảm đúng mục đích, thậm chí có sự “cạnh tranh ngầm” giữa các tổ chức con nuôi để được địa phương “ưu tiên” giới thiệu trẻ. 

Nguyên nhân của hạn chế trên là do Nghị định 19 chưa có quy định rõ ràng về việc bảo đảm tách bạch giữa nuôi con nuôi và hỗ trợ, tặng cho của cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài. Bởi vậy, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP vừa ban hành mới đây (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019) đã sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo ở cơ sở nuôi dưỡng tại Nghị định 19. 

Theo đó, Nghị định 24 nhấn mạnh, việc hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo nhằm mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Luật Nuôi con nuôi, pháp luật về tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ cho các cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập. 

Đồng thời, phải theo một số quy định cụ thể như cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nhân đạo thông qua chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hoặc tài trợ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em; khi hỗ trợ nhân đạo, cá nhân, tổ chức không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi, cơ sở nuôi dưỡng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì lý do đã nhận hỗ trợ nhân đạo. Trường hợp cá nhân, tổ chức hỗ trợ nhân đạo bằng tiền thì phải thực hiện thông qua tài khoản của cơ sở nuôi dưỡng.  

Ngoài ra, khi hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo, cha mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và cơ sở nuôi dưỡng cũng phải có một số trách nhiệm cụ thể. 

Đọc thêm