Vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm
Các trận lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn các tỉnh Quân khu 2 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và của cho nhân dân. Với sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự vào cuộc rất sớm, tận tình, hiệu quả của LLVT Quân khu 2, việc khắc phục hậu quả sau lũ, tìm kiếm người mất tích đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc giải quyết hậu quả sau lũ còn rất nhiều khó khăn, nan giải, nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bởi do tác động của lũ, hầu hết nguồn nước sinh hoạt của đồng bào đều bị thiếu và ô nhiễm cao, môi trường thì bị ảnh hưởng do các chất thải, xác động vật chết, ruồi muỗi phát sinh nhiều.
Bên cạnh đó, sau lũ, rất nhiều hộ dân bị mất nhà cửa phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm khó khăn, rất dễ phát sinh một số dịch bệnh như: Lỏng, lỵ, thương hàn, bệnh ngoài da (ghẻ, nấm), các bệnh theo mùa như cúm, đau mắt đỏ. Đặc biệt, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại các tỉnh trên địa bàn cả nước hiện nay, ở các vùng sau lũ càng dễ phát sinh dịch.
Những loại dịch bệnh này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nếu lây lan vào đơn vị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.
Đại tá, Bác sĩ Đỗ Xuân Trường-Chủ nhiệm Quân y Quân khu 2 cho biết: “Việc tham gia khắc phục hậu quả sau lũ như phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước, vệ sinh, thanh khiết môi trường đều nằm trong kế hoạch, dự kiến trước của chúng tôi.
Hàng năm, chúng tôi đều có rà soát lại kế hoạch phòng, chống bão lũ, kế hoạch tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngay từ đầu năm; các tổ, đội phòng, chống dịch; tổ quân y cơ động tham gia phòng chống bão lũ thường xuyên được kiện toàn; trang thiết bị thường xuyên được bổ sung, cấp mới. Do đó, khi có tình huống xảy ra, lực lượng này lập tức lên đường tham gia được ngay.
Hiện nay, trên địa bàn Quân khu 2, hậu quả sau mưa lũ cơ bản đã khắc phục xong, đời sống, sinh hoạt của đồng bào vùng lũ đã tạm ổn định, tuy nhiên, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Nhất là khả năng phát sinh dịch sốt xuất huyết, bệnh đường tiêu hóa, đau mắt đỏ.
Do đó, các đơn vị quân đội và bà con nhân dân phải thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, nằm màn tránh muỗi đốt, tích cực vệ sinh môi trường; diệt loăng quăng, bọ gậy; tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo mùa, theo hướng dẫn của quân y và y tế địa phương”.
Tổ quân y cơ động, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Sơn La phun thuốc phòng dịch tại xã Ngọc Chiến (Mường La) |
Trong các đợt mưa lũ vừa qua, đã có 8 tổ quân y cơ động của các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương cùng với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương giúp nhân dân vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm như: Phun thuốc, khử trùng, diệt ruồi, muỗi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào vùng lũ thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, khơi thông cống, rãnh, ăn chín, uống sôi; cung cấp miễn phí các viên cloramin B để khử trùng nguồn nước.
Sau lũ, quân dân đều khỏe
Trở lại các địa phương thuộc huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) sau gần một tuần xảy ra trận lũ lịch sử, cùng với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, lực lượng quân y cũng kịp thời mang theo thuốc men, trang thiết bị y tế, phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế địa phương về từng thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh sau lũ.
Nhận gói thuốc từ tay Thiếu tá Đào Huy Cường - Phụ trách Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái trao, chị Sa Thị Hạnh (ở bản Tành Hanh, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn) xúc động: “Con tôi viêm họng, sốt cao mấy hôm nay. Thật may lại có các thầy thuốc đến khám bệnh, cấp thuốc cho cháu”.
Ở thôn La Hào Pành (xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn), công tác vệ sinh phòng dịch được tổ quân y Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) tích cực triển khai. Với chủ trương nước rút đến đâu triển khai công tác vệ sinh, phòng dịch đến đó, các chiến sĩ quân y đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế xã phun thuốc khử trùng tại những hộ gia đình bị ngập úng; tiêu tẩy môi trường, xử lý xác động vật.
Các chiến sĩ quân y còn tích cực tuyên truyền cho nhân dân nếp sống vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi, có các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, dù bị ngập úng nhiều ngày nhưng do kiểm soát tốt môi trường, các địa phương của huyện Văn Chấn đã không để dịch bệnh lây lan. Các trường hợp nhân dân bị mắc bệnh được khám, chữa bệnh miễn phí, cách ly kịp thời.
Bên cạnh công tác giúp đỡ nhân dân phòng chống dịch bệnh sau lũ, những ngày vừa qua, chỉ huy các đơn vị cũng chú trọng quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương xảy ra mưa lũ.
Thượng tá Nguyễn Văn Xuân - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 chia sẻ: “Mặc dù trong điều kiện bộ đội tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai không kể thời gian, nhưng đơn vị vẫn luôn bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội, tuyệt đối không để bộ đội bị đói, bị khát; duy trì chế độ ngâm chân nước muối trước khi đi ngủ, giặt khăn mặt bằng nước nóng; hong, phơi quần áo tránh ẩm mốc…”.
Do ngành quân y các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 2 có sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, tại tất cả các địa phương có mưa lũ đã không xảy ra tình trạng bùng phát dịch bệnh; 100% người dân bị ốm đau đều được bộ đội phối hợp với y tế địa phương cứu chữa kịp thời, chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Không riêng gì bà con nhân dân mà hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia khắc phục hậu quả lũ quét dài ngày trên địa bàn khó khăn thời gian qua, nhưng không có trường hợp nào mắc bệnh tiêu hóa, ngoài ra, quân số khỏe đều bảo đảm theo quy định.