Ngày 2/1/2015, Mỹ đã quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.
Đây là phản ứng đầu tiên của Mỹ kể từ sau vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures và cũng là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt một nước vì các vụ tấn công mạng nhằm vào một công ty của Mỹ. Nhiều nhà phân tích nhận định, sau hàng loạt động thái này, chắc chắn quan hệ Mỹ - Triều sẽ bị đẩy lên mức căng thẳng mới trong thời gian tới.
Liên tục căng thẳng vì an ninh mạng
Thời gian qua, Mỹ và CHDCND Triều Tiên liên tục đối đầu và cáo buộc lẫn nhau về các sự cố mạng. Đầu tiên là việc Mỹ cáo buộc CHDCND Triều Tiên tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của hãng Sony Pictures Entertaiment (SPE) ngày 24/11/2014 khiến dữ liệu cá nhân 47.000 nhân viên của Hãng bị tung lên mạng cùng nhiều tài liệu bí mật như kịch bản cho bộ phim “James Bond” tiếp theo và 5 bộ phim sắp công chiếu bị rò rỉ lên mạng.
Thư điện tử nội bộ, thông tin về lương của các quản lí cùng nhiều dữ liệu khác đã được thu thập và phát tán bởi một nhóm hacker có biệt danh “Người bảo vệ hòa bình GOP”.
Theo giới quan sát, nguyên nhân dẫn tới vụ tấn công quy mô lớn này bắt nguồn từ việc Sony Pictures sản xuất bộ phim hài “The interview” (Cuộc phỏng vấn), dự kiến ra rạp ngày 25/12/2014 tại Mỹ - vốn là một câu chuyện hư cấu về một âm mưu của CIA nhằm ám sát lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un).
Ngay sau đó, Nhà Trắng đã chính thức tuyên bố cuộc tấn công mạng nhắm vào Sony Pictures và bộ phim “The interview” là một “vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định CHDCND Triều Tiên đã đứng sau vụ tấn công mạng vào SPE. Theo FBI, các công cụ và cơ sở hạ tầng được sử dụng trong cuộc tấn công này tương tự như các hoạt động trước đó của CHDCND Triều Tiên. FBI cáo buộc tin tặc, được cho là có nguồn gốc từ Triều Tiên, đã tổ chức tấn công có chủ đích nhằm vào SPE để buộc hãng phim hủy việc phát hành bộ phim “The interview”. Các tin tặc đã gửi thư đe dọa, yêu cầu Sony dừng phát hành và xóa bỏ mọi dữ liệu về bộ phim. Dưới áp lực của những kẻ tấn công “trong bóng tối”, ngày 19/12/2014 SPE đã chấp nhận hủy bỏ kế hoạch phát hành bộ phim. Tuy nhiên, sau đó hãng này lại quyết định công chiếu có giới hạn tại một số rạp ở Mỹ nhân dịp Giáng sinh.
Có thể thấy, vụ tấn công mạng nhằm vào SPE không chỉ khiến Sony bị thiệt hại hàng tỷ USD mà còn làm rò rỉ trực tuyến 5 bộ phim chưa được phát hành của hãng này.
Nghiêm trọng hơn, sự vụ đã đặt quan hệ của Mỹ - Triều Tiên vào vòng căng thẳng. Và ngay lập tức, phía Triều Tiên đã lên án bộ phim The interview là “một hành động chiến tranh” cũng như bác bỏ việc liên quan đến vụ xâm nhập mạng. CHDCND Triều Tiên khẳng định cáo buộc của Mỹ rằng Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures là “vô căn cứ” và đề nghị tiến hành cuộc điều tra chung với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những cáo buộc chống CHDCND Triều Tiên.
Sau đó, bất chấp việc các nhà điều tra tư nhân cho rằng vụ tấn công mạng trên là do một cựu nhân viên của Sony Pictures vì bất mãn với công ty nên đã thực hiện, Mỹ vẫn quả quyết rằng CHDCND Triều Tiên đã xâm nhập mạng máy tính của Sony Pictures và làm rò rỉ nhiều thông tin. Cả hai bên liên tục đối đầu và cáo buộc lẫn nhau về các sự cố mạng. Tổng thống Obama sau đó đã nhiều lần tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả.
Còn CHDCND Triều Tiên, trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn KCNA, đã đe dọa sẽ “thổi tung” Nhà Trắng, đồng thời vẫn khẳng định không liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures.
Sau vụ việc trên, vấn đề an ninh mạng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên lại tiếp tục bị thổi bùng khi vào cuối tháng 12/2014, mạng internet ở CHDCND Triều Tiên cũng liên tục gặp sự cố, có thời điểm bị sập suốt 9 tiếng đồng hồ. CHDCND Triều Tiên đã cáo buộc Mỹ đứng đằng sau sự cố này, trong khi Mỹ khẳng định không hề liên quan.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những vụ việc căng thẳng liên tiếp trên đã châm ngòi cho những tranh cãi tầm quốc gia giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên và có nguy cơ đẩy mối quan hệ hai bên xuống mức thấp hơn nữa, trong khi thủ phạm đằng sau chuỗi sự kiện này vẫn là điều bí ẩn.
Hãng phim Sony Pictures |
Trong một phản ứng được cho là đầu tiên nhằm đáp trả hành động tấn công mạng nhằm vào SPE mà CHDCND Triều Tiên bị cáo buộc là thủ phạm, ngày 2/1/2015 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho phép Bộ Tài chính Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, những lệnh trừng phạt bổ sung này nhằm vào 3 công ty cùng 10 quan chức chính phủ của CHDCND Triều Tiên, trong đó có những cá nhân làm việc tại Iran, Syria, Trung Quốc, Nga và Namibia. Ba công ty chịu trừng phạt gồm: Cục Trinh sát Tình báo Triều Tiên, Công ty Khai thác phát triển thương mại Triều Tiên và Tập đoàn Tangun.
Theo cơ quan tình báo Mỹ, Cục Trinh sát Tình báo Triều Tiên là đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động mạng chính của Bình Nhưỡng. Công ty Khai thác phát triển thương mại là đơn vị chịu trách nhiệm buôn bán vũ khí ở CHDCND Triều Tiên, còn Tập đoàn Tangun phụ trách mua sắm công nghệ phục vụ cho chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng ở nước này.
Trong thư gửi các lãnh đạo Quốc hội Mỹ thông báo về sắc lệnh hành pháp của mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh, ông ra lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt này vì cái mà ông gọi là những hành động và chính sách khiêu khích, gây bất ổn của Chính phủ Triều Tiên, kể cả những hành động phá hoại liên quan đến không gian mạng trong các tháng 11 và 12/2014. Theo ông Obama, những hoạt động đó “tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ”.
Đánh giá về đòn trừng phạt mới của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gọi việc trừng phạt là hành động đáp trả phù hợp đối với “những chính sách, hành động khiêu khích liên tục của CHDCND Triều Tiên, trong đó có cả hành động tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures”.
CHDCND Triều Tiên phản ứng
Hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên, ngày 4/1/2015, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng phản đối kịch liệt, đồng thời gọi đây là chính sách thù địch và đàn áp của Mỹ.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh: “Các hành động đơn phương và dai dẳng của Nhà Trắng nhằm trừng phạt CHDCND Triều Tiên cho thấy Mỹ không từ bỏ thái độ thù địch đối với CHDCND Triều Tiên”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ từ chối đề xuất của Triều Tiên tiến hành điều tra chung về vụ tấn công mạng của Sony Pictures.
Trong khi đó, đánh giá về lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào CHDCND Triều Tiên, nhiều nhà phân tích nhận định các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ sẽ không tác động nhiều tới nước này bởi CHDCND Triều Tiên vốn là nước đã từng chịu nhiều lệnh cấm vận của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua.
Hãng Reuters cho rằng, các lệnh trừng phạt mới “sẽ không hiệu quả bởi người Triều Tiên không đi du lịch Mỹ và châu Âu nhiều. Họ cũng không có hàng tỷ USD trong các ngân hàng Mỹ và châu Âu”.
Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên cũng như hàng loạt vụ “lùm xùm” trước đó diễn ra ở nhiều quốc gia liên quan đến vấn đề an ninh mạng, đã buộc người ta phải nhìn nhận về một thách thức nghiêm trọng đối với một quốc gia, đó là vấn đề kiểm soát an ninh mạng nhằm chống lại các mối đe dọa từ thế giới ảo nhưng đầy sức mạnh.
Điều này đặt ra cho các nước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao khả năng phòng vệ trước hình thức tấn công phi truyền thống này cũng như phải hợp tác với các quốc gia để ngăn ngừa tổn thất khôn lường từ những vụ “khủng bố” kiểu mới.