Quan hệ thân hữu

(PLO) - Lần đầu tiên, quan hệ thân hữu được Thủ tướng chỉ thẳng, công khai trong một bài phát biểu trên diễn đàn doanh nghiệp. Quan hệ thân hữu đã lộ diện với nguy cơ “bóp chết” việc làm ăn chân chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội.

Mặc dù chính sách cũng như pháp luật có những điều khoản để ngăn ngừa tình trạng “cánh hẩu” trong làm ăn kinh tế, hạn chế việc quyền lực tập trung trong gia đình họ hàng nhưng trên thực tế, việc đó vẫn diễn ra âm thầm. Đó là sự xuất hiện của các công ty “sân sau” của cán bộ, đó là việc con cháu họ hàng nắm giữ những doanh nghiệp quan trọng trong ngành mà cha chú quản lý, đó là việc thành lập các công ty “đón lõng” dự án có bàn tay xếp đặt của người có "chân trong". Do những loại hình của quan hệ thân hữu “đẻ ra” chiếm lĩnh thị phần sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp “ngoài vùng phủ sóng” của thân hữu làm ăn khó khăn, bị đẩy đến bờ vực phá sản hoặc tự phải rút lui nhường “đất sống” vì không thể cạnh tranh nổi. 

Quan hệ thân hữu không chỉ bóp chết làm ăn chân chính mà còn bóp méo pháp luật, khiến sự nghiêm minh pháp luật không còn chỗ đứng vững chãi và tạo ra sự bất bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế và góp phần đẩy nhanh sự bất công xã hội. Tất cả những cái đó thể hiện qua những vụ việc rất cụ thể như sai phạm, lãng phí mà không xử lý được, nhìn thấy tài nguyên quốc gia bị bòn rút mà các cơ quan chức năng bất lực. Pháp luật bị qua mặt khi các chiếc xe quá tải gắn lo-go “thân hữu”, tiền ngân sách bị rút ruột từ ngay những trạm thu phí BOT, đất đai bị “chảy máu” ngay từ những bản vẽ dự án, đến cả thông tin quy hoạch cũng trở thành cơ hội kiếm tiền. 

Thông điệp mà Thủ tướng gửi tới cộng đồng doanh nghiệp là xóa bỏ tình trạng quan hệ thân hữu, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và ưu đãi ngầm. Tiến tới sự “xóa bỏ” này phải được bắt đầu từ tư duy “lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế” và hành động “tạo ra môi trường bình đẳng và minh bạch”.

Quan hệ thân hữu đã lộ diện với tất cả nguy cơ mà nó mang lại cho nền kinh tế cũng như xã hội. Xóa bỏ quan hệ thân hữu cần cả một lộ trình nhưng trước hết phải duy trì bằng được sự nghiêm minh pháp luật, “không có vùng cấm với bất kể ai” và đồng thời cần đến sự mẫu mực nêu gương của tầng lớp lãnh đạo. Đó là sự kết hợp giữa pháp luật và đạo lý, trừng phạt và nêu gương, tạo ra sức mạnh cần thiết để ngăn chặn bàn tay của quan hệ thân hữu đang vươn ra bóp nghẹt sự làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật của toàn xã hội. 

Đọc thêm