Tham dự tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình; Thiếu tướng, PGS-TS Đàm Thanh Thế- Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan; ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cùng đại diện nhiều đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Hải quan các địa phương, các nhà tài trợ, doanh nghiệp...
Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Báo Hải quan cho biết, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Hải quan, Báo Hải quan tổ chức buổi tọa đàm này nhằm cung cấp thêm thông tin giúp cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp có góc nhìn nhiều chiều và hiểu rõ hơn về hoạt động thương mại điện tử; đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang tiến hành xây dựng Dự thảo “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề có liên quan như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý thương mại điện tử, đồng thời đưa ra các kiến nghị đề xuất để đóng góp vào việc thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử nói chung và hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thiếu tướng, PGS- TS Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết, trước thực trạng lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Văn phòng Thường trực phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng chức năng khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử để tham mưu với Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia phê duyệt. Ông Thế mong muốn các diễn giả đại diện các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ chia sẻ thực trạng, khó khăn, vướng mắc và đóng góp các giải pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động thương mại điện tử.
|
Nhiều ý kiến thiết thực được phát biểu tại Toạ đàm |
Tại Tọa đàm, các diễn giả đến từ các đơn vị chuyên môn của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đã nêu và tập trung thảo luận về các vấn đề: Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam; Cơ chế kiểm tra, giám sát hàng hóa trong môi trường TMĐT; Tình hình quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK tại Việt Nam; Tăng cường hoạt động và nâng cao nhận thức trong phòng chống lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả; Quan điểm về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK trong hoạt động TMĐT; Công tác chống buôn lậu, ngăn ngừa hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đối với hàng hóa XNK; Tăng cường hoạt động phòng chống vận chuyển trái phép hàng hóa qua khu vực biên giới; Kiểm soát, chống thất thu thuế hàng hóa XNK qua hoạt động TMĐT tại cửa khẩu, đơn vị chuyển phát nhanh.
Tham dự Tọa đàm, các doanh nghiệp đã lắng nghe và có một số ý kiến kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử nói chung và hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng.
Về thực tế hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường Đức), năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 trung bình từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Theo thống kê của Nielsen Việt Nam và Tập đoàn Miniwatts Marketing, 85% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, xếp thứ 13 trong 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam dành bình quân 7 tiếng một ngày cho hoạt động trực tuyến. 90% dân số ở thành thị và 50% dân số ở nông thôn dùng điện thoại thông minh. Doanh thu thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 201. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự báo đến năm 2020 doanh thu TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD.