Istanbul - Vương quốc của mèo hoang
Không rõ vì sao và từ bao giờ, thành phố này đã trở thành ngôi nhà chung của hàng nghìn con mèo hoang. Theo Daily Mail, Istanbul hiện là nơi sinh sống của khoảng hơn 30.000 chú mèo hoang.
"Nếu một ngày, mèo không còn nữa, Istanbul sẽ chẳng còn là Istanbul", đó là một câu nói nổi tiếng trong bộ phim tài liệu Kedi (Mèo).
Những người dân Istanbul coi mèo như một phần không thể thiếu của cuộc sống. |
Người dân Istanbul yêu mèo vì họ nghĩ rằng lũ mèo rất thông thái. Mèo được xem là những người bảo vệ trong thế giới Hồi giáo: Bảo vệ các thư viện khỏi sự phá hủy của chuột và có thể bảo vệ cư dân thành phố khỏi các bệnh dịch từ chuột.
Do đó, mèo là loài vật duy nhất được phép bước vào đại thánh đường Mecca – thánh địa của người Hồi giáo.
Người dân Istanbul luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho những chú mèo, bằng nhiều hành động thiết thực ý nghĩa. Ví dụ, trong túi của họ luôn có thức ăn cho mèo phòng trường hợp họ bắt gặp một chú mèo đang đói.
Mèo tự do đi lại trong thành phố. |
Những chú mèo hoang này như tự biết đây là “thiên đường” của chúng nên cứ tự do, thoải mái mà đi lại trên các đường phố, cọ đầu làm nũng với các du khách khi họ đang ngồi uống cà phê trên các quán bên đường.
Tại Istanbul, những chú mèo hoang sẽ được gom lại, triệt sản, kiểm tra sức khỏe rồi gắn một chiếc thẻ trên tai với màu sắc khác nhau để biểu thị tình trạng sức khỏe. Sau đó, chúng sẽ được thả trở lại đường phố.
Mèo ở thời kỳ Ai Cập cổ đại
Người Ai Cập cổ đại tôn thờ nhiều loài động vật trong hàng ngàn năm. Tuy nhiên, mèo được cho là loài đặc biệt nhất. Người Ai Cập tin rằng mèo là sinh vật huyền bí, có khả năng mang lại may mắn cho những người nuôi chúng.
Theo National Geographic, các gia đình giàu có thậm chí đã đeo trang sức cho mèo và cho chúng ăn những món ăn của giới quý tộc. Khi những chú mèo chết, chúng được ướp xác. Như dấu hiệu của sự thương tiếc và thể hiện sự tôn trọng, những người chủ còn cạo lông mày của mình và tiếp tục để tang cho đến khi lông mày mọc lại. Mèo đặc biệt đến nỗi những ai giết chúng, dù chỉ là vô tình, cũng bị kết án tử hình.
Duy nhất chỉ có một nữ thần tên là Bastet mới có sức mạnh biến hình thành một con mèo. |
Theo thần thoại Ai Cập, các vị thần và nữ thần có khả năng biến mình thành các loài động vật khác nhau. Nhưng duy nhất chỉ có một nữ thần tên là Bastet mới có sức mạnh biến hình thành một con mèo.
Mặc dù mèo không còn được tôn kính ở Ai Cập ngày nay, nhưng nhiều người vẫn coi là người bạn đồng hành yêu quý. Một số người dân tin rằng tổ tiên của những con mèo sống với các pharaoh vẫn đang lang thang trên đường phố Ai Cập.
Chú mèo đen được coi là động vật kém may mắn nhất
Trong hầu hết các nền văn hóa phương Tây, mèo đen thường được coi là biểu tượng của những điềm xấu.
Ví dụ, người Nga tin rằng nếu mơ thấy chú mèo đen trước lễ Giáng sinh thì có nghĩa là sẽ mắc bệnh. Nếu con mèo đen của người khác đến nhà của bạn thì sẽ có điều đau buồn xảy đến. Và nếu bạn gặp con mèo đen chạy ngang qua đường thì bạn không thoát khỏi rắc rối.
Ở châu Âu, từ thế kỷ 13, mèo đen được xem là hiện thân của điều xấu. |
Nhiều người Nga nhổ nước miếng ba lần qua vai trái nếu họ bất chợt nhìn thấy một con mèo đen chạy ngang qua đường mà họ đang đi. Với họ, việc nhổ nước miếng này có thể giúp họ tránh được những rắc rối mà con mèo đen có thể mang lại.
Mèo đóng vai trò lớn trong văn hoá Nhật bản
Đối với người Nhật, mèo có một chỗ đứng rất đặc biệt. Hình ảnh mèo chiếm một phần rất lớn trong cuộc sống hàng ngày của người dân nước này: từ quần áo đến phim hoạt hình, từ bao bì thực phẩm đến sách.
Mèo Maneki Neko là một dạng linh vật cầu may. |
Mèo mang một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Nhật, mang đến may mắn và những điều tốt đẹp.
Văn hóa dân gian Nhật Bản có rất nhiều câu chuyện dân gian về mèo. Có thể kể đến câu chuyện truyền thuyết về chú mèo thần tài (Maneki neko) nổi tiếng đã cứu mạng hai vị Samurai khỏi nguy hiểm. Ngoài ra, mèo cũng xuất hiện trong tranh dân gian.
Tại Nhật Bản, mèo còn có hẳn 1 "quốc đảo" riêng. Đến với đảo Aoshima thuộc tỉnh Ehime, Nhật Bản, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên vì số lượng mèo tại đây nhiều hơn cả người ở trên đảo. Tính trung bình tại đảo Aoshima cứ 15 người dân là có đến hơn 100 chú mèo.