Quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao

(PLO) - Chiều qua (5/7), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Hơn 650 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các Viện nghiên cứu đã đến dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là hội nghị quy mô về phát triển bền vững tại Việt Nam và là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành nhằm tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với những nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội và sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững cùng Chương trình Nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh tối ưu hoá mọi thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Song song là cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững. Điểm mấu chốt của nhiệm vụ này là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Theo Thủ tướng, mặc dù đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa và cho biết, Chính phủ cam kết đảm bảo cơ hội học tập cho mọi người dân, không ai bị bỏ lại do thiếu các cơ hội học tập. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao, nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thời kỳ công nghiệp 4.0.

Tại Hội nghị, các diễn giả bày tỏ niềm tin mạnh mẽ Việt Nam sẽ tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập niên tới với những thành quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội và quản lý nhà nước hiệu quả. Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các thành phần trong xã hội, các bên liên quan cũng như sự hợp tác hiệu quả của các tổ chức quốc tế.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, những xu hướng lớn có thể tái định hình nền kinh tế Việt Nam bao gồm việc chuyển đổi các mô hình thương mại, sự gia tăng của nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu và sự già hoá dân số. Theo ông, nếu Việt Nam không khai thác một cách có lợi các xu hướng lớn nêu trên sẽ khiến cho “Cỗ máy việc làm” không hoạt động hiệu quả, dẫn tới tương lai của việc làm Việt Nam không được đảm bảo.

Do đó, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn (thể chế, con người, sản xuất hoặc vật chất và vốn tự nhiên), song song với việc nắm bắt các xu hướng lớn và đảm bảo cỗ máy tạo việc làm hoạt động trơn tru. 

Đọc thêm