Quảng Bình tiếp tục quan tâm công tác trồng và bảo vệ rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, với sự phát triển của phong trào trồng cây, trồng rừng bên cạnh đem lại lợi ích về môi sinh, môi trường, hạn chế thiên tai, lũ lụt, còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, thu nhập từ rừng, quan trọng hơn là đã góp phần hình thành, phát triển nền công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn.
Người dân xã Hóa Sơn (Minh Hóa) trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa để nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường
Người dân xã Hóa Sơn (Minh Hóa) trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa để nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường

Theo đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình chuyển đổi từ khai thác tài nguyên rừng sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, kinh doanh lâm nghiệp toàn diện, hình thành các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng, sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo thống kê của Chi Cục kiểm lâm Quảng Bình, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã trồng được 5.180,70 ha, tăng 269 ha so với cùng kỳ năm 2020, đạt tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 67,88% đứng thứ 2 cả nước. Những năm gần đây, bình quân tăng trưởng ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt trên 10%/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động làm nghề rừng. Hiện nay, Quảng Bình là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng làm nguyên liệu ổn định và công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển khá, trung bình mỗi năm cung cấp hơn 400.000 m3 nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn.

Người dân có việc làm, tăng thu nhập, có trách nhiệm hơn với rừng, sống dựa vào rừng để bảo vệ rừng.

Người dân có việc làm, tăng thu nhập, có trách nhiệm hơn với rừng, sống dựa vào rừng để bảo vệ rừng.

Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trồng, bảo vệ và phát triển rừng đã không chỉ làm tăng nhanh diện tích các loại rừng của tỉnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng. Ông Nguyễn Văn Long - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Những năm qua, nhờ phát triển lâm nghiệp bền vững đã đưa lại hiệu quả nhiều mặt. Các nhà máy chế biến lâm sản được đảm bảo nguồn nguyên liệu; người dân có việc làm, tăng thu nhập, có trách nhiệm hơn với rừng, sống dựa vào rừng để bảo vệ rừng. Môi trường sinh thái cũng nhờ rừng mà được cải thiện đáng kể...”.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, đơn vị đã khắc phục khó khăn, triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cơ cấu diện tích 3 loại rừng. Đến nay, phần nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của tỉnh được giao khoán bảo vệ, khoán khoanh nuôi tái sinh cho hộ dân, cộng đồng dân cư sống gần rừng để người dân có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, gắn trách nhiệm của người dân sống gần rừng với việc giữ rừng. Nhờ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn, nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt được phục hồi, các vụ vi phạm lâm luật từ đầu năm đến nay giảm đáng kể.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động hướng dẫn cấp chứng chỉ rừng cho các đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Với diện tích rừng trồng sản xuất hiện có và năng suất ngày càng nâng cao đã cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động có bước trưởng khá.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao việc sử dụng hiệu quả từ rừng và đất rừng, đóng góp tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẳn có. Ngành lâm nghiệp Quảng Bình đã có bước chuyển mình từ trong nhận thức để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Với sự đồng hành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân, kinh tế lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vị thế là ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đóng góp quan trọng cả về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh của tỉnh.