11.000 tỷ đồng “biến” Chu Lai thành trung tâm hàng không quốc tế
Tháng 8/2024, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp xúc với ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani, tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ. Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề hợp tác, trong đó trọng tâm là việc đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm tại Việt Nam, như cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), sân bay Chu Lai (Quảng Nam),…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng phát triển của sân bay Chu Lai và bày tỏ mong muốn Tập đoàn Adani cùng với các đối tác Việt Nam chung tay đầu tư, xây dựng sân bay Chu Lai trở thành trung tâm hàng không quốc tế hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.
Với vị trí địa lý thuận lợi và kết nối giao thông thuận tiện, sân bay Chu Lai có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không quan trọng, đặc biệt là các đường bay đến và đi từ các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc. “Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Adani, tham gia đầu tư vào sân bay Chu Lai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PLVN, Cảng hàng không Chu Lai (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) là sân bay có diện tích lớn nhất khu vực miền Trung và nằm trong tốp 3 sân bay lớn nhất cả nước với hơn 2.000ha. Sân bay nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, cách biển 2km, nằm trên bờ vịnh Dung Quất và cách đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ 27km.
Vào thời kỳ chiến tranh, Chu Lai là căn cứ không quân, sau này được quy hoạch thành sân bay dân dụng kết hợp với hoạt động quân sự. Năm 2004, nhà ga hành khách sân bay được xây dựng. Đến tháng 3/2005, sân bay Chu Lai chính thức đưa vào khai thác tuyến bay thương mại đầu tiên của Vietnam Airlines. Đến thời điểm này, Jetstar Pacific, Vietjet Air cũng đã đưa vào khai thác các đường bay Chu Lai - TP Hồ Chí Minh; Chu Lai - Hà Nội và ngược lại. Những năm gần đây, lượng hành khách, hàng hóa thông qua sân bay tăng mạnh với mức trung bình khoảng 1 triệu lượt khách/năm.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ khảo sát, nghe phương án đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai vào tháng 3/2022. |
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh này định hướng đầu tư, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai với quy mô sân bay đạt cấp 4F. Dự tính công suất khoảng 10 triệu khách/năm vào năm 2030, đến năm 2050 đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Sân bay Chu Lai sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.
Ở diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng vừa ký Quyết định số 655 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nội dung kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không với 14 cảng hàng không quốc tế, trong đó có sân bay Chu Lai.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa. UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Theo nội dung đề án, giai đoạn đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nhà ga hàng hóa với công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).
|
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Adani đầu tư vào sân bay Chu Lai. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Cơ hội lớn để Quảng Nam bứt phá mạnh mẽ
Liên quan đến phương án khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa mà Quảng Nam đề xuất, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có thông báo gửi địa phương cho biết, Bộ đã trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trong đó, bộ đề xuất tháo gỡ vướng mắc về diện tích đất quốc phòng không riêng ở sân bay Chu Lai mà còn ở một số sân bay khác. Để có thể đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thì phải thực hiện thủ tục chuyển đất quốc phòng sang đất hàng không dân dụng. Riêng sân bay Chu Lai, Bộ GTVT đề xuất theo hướng đầu tư khu vực phía Đông trước vì không ảnh hưởng mặt bằng.
Trao đổi với PLVN, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, sân bay Chu Lai được đánh giá lớn tốp 3 cả nước, là cơ hội rất lớn để đầu tư xây dựng phát triển. Sân bay cũng nằm vị trí đắc địa, giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, ở vị trí trung độ của đất nước, thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường sắt, quốc lộ, cao tốc, đường biển và đường hàng không, có quốc lộ 14 nối từ cảng Đà Nẵng qua các huyện phía Bắc của tỉnh đến biên giới Việt - Lào và các tỉnh Tây Nguyên.
Đặc biệt, sân bay Chu Lai có tổng diện tích trên 2.000ha “đất sạch” do Nhà nước quản lý, rất thuận lợi trong việc đầu tư.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng. |
“Trong thông báo kết luận của Thủ tướng khi làm việc với tỉnh Quảng Nam năm 2022, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai. Theo tôi, đó là chủ trương rất tốt để nâng cấp hạ tầng giao thông tỉnh. Do đó, thời gian qua, Quảng Nam đã mời gọi và có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang nghiên cứu, có mong muốn đầu tư sân bay Chu Lai. Vừa qua, Tập đoàn Adani của Ấn Độ đến làm việc với tỉnh và có nguyện vọng nghiên cứu đầu tư khai thác sân bay Chu Lai. Tỉnh đang chờ Chính phủ báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương để triển khai thực hiện”, ông Dũng nói.
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ngoài Tập đoàn Adani, đại diện Tập đoàn Sovico, Công ty CP Hàng không Vietjet cũng đã làm việc với địa phương đề xuất đầu tư Cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Hiện nay, Quảng Nam đã thành lập tổ công tác giải quyết các hồ sơ, thủ tục và xúc tiến, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Đồng thời, cũng tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý từ các Bộ, ngành Trung ương trong việc thực thi dự án nếu được thông qua.
“Quảng Nam đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phát triển của sân bay Chu Lai. Nếu được Chính phủ, các cấp thẩm quyền đồng ý, cho chủ trương xã hội hóa để đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai thành một sân bay quốc tế lớn của cả nước, có cả đô thị sân bay và nhà máy sửa chữa tàu bay thì đây là cơ hội rất lớn để Quảng Nam bứt phá phát triển. Hiện nay, cùng với đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai, Quảng Nam cũng đang xúc tiến đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000DWT và quy hoạch trung tâm logistics container tại Chu Lai”, ông Dũng nhấn mạnh.