Quảng Nam lập 5 tổ gỡ khó 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(PLVN) - 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Nam mới giải ngân được 13% vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Để khắc phục, tỉnh này sẽ thành lập 5 tổ công tác cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra từng công trình để gỡ vướng.

Tại kỳ họp thứ 24 của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh đã có báo cáo về nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu gồm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện ba chương trình này trong năm nay 3.521 tỷ đồng. Đến nay tỉnh đã phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng 2.830 tỷ đồng. Đến ngày 30/6 đã giải ngân 460 tỷ đồng, đạt 13,07%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Nam giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 13,07%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước.

Ông Nguyễn Quang Thử cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm vẫn còn rất thấp, mới chỉ được 13,07% tổng kế hoạch vốn. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp giải ngân quá chậm, chỉ mới đạt 7% kế hoạch.

Nguyên nhân được ông Thử lý giải là do các đơn vị vẫn còn chậm trễ trong hoàn chỉnh thủ tục, nên đến nay vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Cạnh đó, đa số các địa phương chưa thực hiện việc tăng cường nhân sự từ các phòng, ban chức năng khác thuộc huyện để hỗ trợ cho cơ quan chủ trì thẩm định dự án trong việc thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư đảm bảo kịp thời.

Cũng theo ông Thử, trong giai đoạn từ năm 2022 đến cuối năm 2023, các địa phương gần như chưa xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư đối với từng dự án. Đến đầu năm 2024 các địa phương mới triển khai thực hiện và đã phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành.

Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Quảng Nam chậm.

Ngoài ra, một số đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung thuộc nhiệm vụ chi của nguồn vốn sự nghiệp còn có nhiều cách hiểu khác về các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh nên dẫn đến việc chậm triển khai. Các địa phương còn vướng trong công tác giải phóng mặt bằng. Riêng các địa phương miền núi thường có hiện tượng sáng nắng chiều mưa dông nên cũng ảnh hướng đến công tác thi công.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam còn chỉ ra một khó khăn nữa là từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực thi hành.

“Trong luật tại điểm M khoản 1 Điều 23 có quy định, gói thầu thuộc dự toán mua sắm trong hạn mức từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mới được chỉ định thầu, còn trên 100 triệu đồng trở lên phải đấu thầu. Do đó, một số nhiệm vụ thuộc nguồn vốn sự nghiệp triển khai năm 2024 có giá trị trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu theo quy định”, ông Thử thông tin.

Các huyện miền núi cần triển khai tốt những giải pháp huy động nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nói rằng, đến nay cả tỉnh chỉ mới giải ngân khoảng 13%, nằm trong nhóm thấp của cả nước. Do đó, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan.

“Tôi đề nghị chủ đầu tư, sở ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét trách nhiệm của mình trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu đã được thông qua", ông Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thông tin, hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư cơ bản rất chậm, đây là một vấn đề lớn, nếu mà không tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng hết thì xem như xã hội không thể phát triển.

Chính vì vậy, phải có nhiều biện pháp tập trung quyết liệt. Sắp đến UBND tỉnh sẽ thành lập 5 tổ công tác cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và sẽ trực tiếp đi kiểm tra từng công trình một để có giải pháp gỡ vướng, khắc phục.

Tỉnh Quảng Nam sẽ thành lập 5 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch dẫn đầu và đến kiểm tra từng công trình một để có giải pháp gỡ vướng, khắc phục.

Theo ông Dũng, tất cả cần phải vào cuộc mạnh mẽ thì mới đẩy mạnh tiến độ giải ngân được. Hiện nay, nhiều công trình kéo dài, có cây cầu làm 7 năm không xong thì sao giải ngân được, thực tế này cần được xem xét.

“Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta đã nói rất nhiều lần những cái cốt lõi nhất là giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn để quyết liệt hơn trong tương lai. Sắp đến, UBND tỉnh sẽ chủ trì cuộc họp chuyên đề để bàn riêng về việc này. Tất cả Bí thư, Chủ tịch các huyện liên quan sẽ bàn với sở ngành để xem trách nhiệm thuộc về ai, ở đâu để rồi tháo gỡ. Việc này mà nói chung chung là không bao giờ được, phải cụ thể từng việc", ông Dũng nhấn mạnh.

Đọc thêm