Bí thư Nguyễn Xuân Ký khẳng định tại buổi gặp mặt, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, luôn kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa “doanh nhân Quảng Ninh”, cùng tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó, đoàn kết, kỷ cương, đã ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nhất là trong những giai đoạn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19.
Điều này được thể hiện qua các con số biết nói: Giữ vững được tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 2 con số từ năm 2017 đến nay, GRDP 9 tháng đạt gần 10%, tạo nền tảng vững chắc phấn đấu cả năm 2023 đạt trên 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 41.178 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ, nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước.
Số lao động được tạo việc làm tăng thêm 9 tháng ước đạt 19.300 người, bằng 96,85% kế hoạch cả năm, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020 - 2025. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI và các chỉ số phản ánh chất lượng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ
Năm 2023, trong bối cảnh chung cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
|
Quang cảnh buổi gặp mặt. |
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được chỉ đạo quyết liệt. Quảng Ninh có năm thứ 6 liên tiếp đứng số 1 về chỉ số PCI từ năm 2017-2022; cũng trong giai đoạn này, Quảng Ninh có 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 4 năm dẫn đầu chỉ số SIPAS, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI.
Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 11.529 doanh nghiệp, 22.470 hộ kinh doanh, 405 hợp tác xã đang hoạt động, tạo thành lực lượng quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh; khẳng định giá trị thương hiệu trong nước và vươn tầm khu vực.
Cùng với đó, có một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo. Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh có 2.049 đơn vị thành lập mới, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 16.280 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường là 2.752 doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý chỉ có 398 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,7% so cùng kỳ. Cũng trong 9 tháng đã có 65 HTX thành lập mới, tăng 117% kế hoạch năm, với vốn điều lệ đăng ký hoạt động trên 1.904 tỷ đồng; doanh thu bình quân một HTX là 850 triệu đồng/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 17.617 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ, chiếm 61,86% tổng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước là 13.199 tỷ đồng, tăng 20,4%; doanh nghiệp FDI là 1.128 tỷ đồng, giảm 12,4%; doanh nghiệp tư nhân là 3.290 tỷ, giảm 5,7% so với cùng kỳ.