Quảng Ninh: Tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thi hành Luật Căn cước

(PLVN) - Chiều 10/4, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Quán triệt, triển khai thi hành Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Quang cảnh hội nghị.

Dự hôi nghị có, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chủ trì, lãnh đạo UB MTTQ tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Thời gian từ nay đến lúc 2 luật này có hiệu lực thi hành còn rất ngắn; trong khi đó, điều kiện chuẩn bị để luật thi hành có rất nhiều. Đối với Luật Căn cước yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, các điều kiện về phần cứng, phần mềm để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu một cách nhanh chóng chính xác, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở, cần nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền HĐND, UBND tỉnh.

Để nhanh chóng đưa 2 luật vào cuộc sống, bên cạnh việc sẵn sàng các điều kiện cơ sở hạ tầng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đại biểu tham dự hội nghị tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến tham mưu trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết tại kỳ họp giữa năm, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương cần chủ động tích cực hơn nữa để phổ biến các nội dung mới của 2 luật tại địa phương, đơn vị.


Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh làm rõ một số nội dung quan trọng tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Công an tỉnh đã làm rõ một số nội dung trọng tâm của các luật, trong đó: So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước mới đã mở rộng hơn đối tượng áp dụng. Luật đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của công dân. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước; giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Lãnh đạo Sở Tư pháp tham luận tại hội nghị.

Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật đã quy định kiện toàn, thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách, dân phòng hiện nay thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Việc điều chỉnh không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn tinh gọn, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ nội dung tầm quan trọng của các luật; ý nghĩa của việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực chuyên ngành; những vấn đề cần quan tâm, chú ý trong triển khai thi hành luật.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường yêu cầu, ngay sau hội nghị, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương cần chủ động phối hợp với Công an tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thi hành 2 Luật trên, khẩn trương tham mưu để xây dựng, ban hành nghị quyết, quyết định thuộc thẩm quyền HĐND, UBND tỉnh được giao tại Luật; với quyết tâm chính trị cao nhất bảo đảm mục tiêu Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở có thể đi vào hoạt động ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đọc thêm