Hôm qua (27/3), tại phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến vào một số vấn đề lớn của Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội cần nghe báo cáo về những vấn đề dư luận quan tâm
Tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến khai mạc vào 21/5/2012) Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật (trong đó có Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định Tư pháp) và thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; cho ý kiến về 7 dự án luật; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời xem xét, quyết định các nội dung quan trọng khác về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo giám sát chuyên đề và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cơ bản tán thành với đề xuất nội dung kỳ họp nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về việc thu phí giao thông, một vấn đề mà hiện nay dư luận rất quan tâm. Ngoài ra, ông Khoa còn đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về hiệu quả của việc đổi giờ làm. Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cũng đồng tình với đề xuất này. Với tư cách một địa biểu Quốc hội, ông cho biết đã nhận được nhiều luồng ý kiến cử tri về vấn đề này và trông đợi UBTVQH, QH xem xét, có quyết sách phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Một trong những đổi mới tại kỳ họp này là ngoài các phiên thông lệ như khai mạc, bế mạc… một số nội dung khác như Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành cao với đề xuất nói trên và cho rằng để cử tri cả nước có thêm thông tin, khi thảo luận một số dự án Luật khác như dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng nên được truyền hình trực tiếp. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần truyền hình trực tiếp khi Thủ tướng trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và phiên thảo luận của Quốc hội để cử tri nắm được đầy đủ thông tin về đề án này.
Sinh đôi có chế độ nghỉ riêng?
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có 4 nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, đó là: Về tiền lương và mức lương tối thiểu, về hợp đồng lao động, chính sách đối với lao động nữ và giải quyết tranh chấp lao động.
Riêng vấn đề nghỉ thai sản, Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp lao động nữ sau khi sinh con mà bị chết thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng ủng hộ cao phương án của Ủy ban thẩm tra vì ông cho rằng, nghỉ 6 tháng là phù hợp; nếu lao động nào sắp xếp được thì sau khi nghỉ 4 tháng có thể đi làm lại. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại phân vân vì với tiến bộ khoa học như hiện nay, một lúc sinh 4 thì nghỉ thế nào, cần cân nhắc để đảm bảo sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Về cơ bản, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ủng hộ quan điểm của Ủy ban thẩm tra, nhưng nên chỉnh lại theo hướng, sau khi sinh con mà lao động nữ chết thì chồng được hưởng lương của vợ cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. “Phải xem người chồng đó làm nghề gì, chẳng hạn anh thuộc biên chế của lực lượng vũ trang thì không thể nghỉ đến 6 tháng” - Phó Chủ tịch nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: “Không nên cào bằng tất cả lao động nữ khi sinh con đều nghỉ như nhau. Nên phân biệt lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường được nghỉ 5 tháng, còn lao động nữ làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…thì được nghỉ 6 tháng”. |
Thu Hằng