Quốc hội cùng Chính phủ khơi thông nguồn lực phát triển Kỳ 2: Chính phủ vào cuộc, Quốc hội đồng hành nhận diện những “điểm nghẽn”

(PLVN) -Trong đợt tổng rà soát với quy mô lớn nhất vừa được tiến hành, đã có hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát. Qua rà soát, các cơ quan đã nhận diện cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung.
Hình ảnh tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 6. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Hình ảnh tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 6. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Làm rõ khó chỗ nào, khó làm sao, gỡ thế nào?

Tại Kỳ họp thứ 6 vừa diễn ra, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội (QH), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, khó khăn, hạn chế của chúng ta vẫn còn rất nhiều và rất lớn. “Chúng ta có nhiều chủ trương, kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện còn chậm. Tại diễn đàn QH, có đại biểu (ĐB) QH đã nói “con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm”. Trong các kết luận của Đảng thường nêu tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu”, Chủ tịch nước nhìn nhận, dẫn chứng việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19, đầu tư công...

Nhìn nhận về các nguyên nhân, Chủ tịch nước đề cập đến tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Đáng chú ý, Chủ tịch nước cho biết, ông có cảm nhận dường như còn cán bộ nắm quy định pháp luật không rõ, “cứ nói khó mà không truy tới nơi, làm rõ xem khó chỗ nào, khó làm sao, gỡ như thế nào”. “Ông chuyên viên nói khó, ông trưởng phòng nói khó, ông phó giám đốc sở nói khó, cuối cùng tới ông giám đốc sở cũng nói khó, tới phó chủ tịch, chủ tịch UBND cũng nói khó theo. Cuối cùng mọi chuyện là nằm tại chỗ hết, không giải quyết”, Chủ tịch nước nói.

Nêu vấn đề này, Chủ tịch nước mong ĐBQH, các lãnh đạo địa phương khi gặp phải vướng mắc thì chỉ rõ, nêu cụ thể vướng luật nào, nghị định nào, thông tư nào, luật này vướng luật kia ra sao, nói rõ ràng, “còn cứ nói chung chung thì mày mò cũng khó”. “Phải nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, những trở ngại để tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Trước đó, Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII đã nhận diện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đến Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, vấn đề này cũng đã được các ĐBQH đề cập. Tình trạng này là do vướng mắc về pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện hay cả hai là trăn trở của nhiều ĐB. “Cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả”, ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nói.

Vì vậy, các ĐB đánh giá rất cao việc tại Kỳ họp thứ 5, QH đã ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15, giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của QH, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn để kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp; kiến nghị QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan. “Việc QH yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL là việc làm rất kịp thời”, ĐB Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH) đánh giá.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh, dù rà soát hệ thống pháp luật là công việc thường xuyên nhưng đây là lần đầu tiên QH yêu cầu Chính phủ rà soát để báo cáo với QH. Điều này sẽ góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng không chỉ hoạt động xây dựng pháp luật mà còn cả hoạt động rà soát hệ thống pháp luật.

Cuộc rà soát quy mô lớn cả về lĩnh vực và số lượng văn bản

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Báo NLĐ)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Báo NLĐ)

Sau khi có nghị quyết của QH, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về rà soát hệ thống VBQPPL do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Việc rà soát VBQPPL theo Nghị quyết 101/2023/QH15 đã được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp cho biết, tổng số VBQPPL đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 523 văn bản, gồm 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của QH, UBTVQH; 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 văn bản do các cơ quan khác ở Trung ương ban hành. “Điều này cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát được số lượng lớn VBQPPL, bao gồm luật và văn bản dưới luật”, ông Hồ Quang Huy cho hay.

Để bảo đảm tính độc lập, hỗ trợ cho Tổ công tác của Chính phủ, UBTVQH cũng thành lập Tổ công tác về rà soát hệ thống VBQPPL do Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng. QH đã đề nghị tất cả các Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND các tỉnh/TP, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH tiến hành rà soát độc lập. ĐB Đỗ Đức Hiển ghi nhận: “So với một số lần rà soát theo lĩnh vực hoặc theo chuyên đề trước đây đã thực hiện, có thể khẳng định rằng đây là đợt rà soát VBQPPL có quy mô rất lớn, cả về lĩnh vực và số lượng văn bản được rà soát”.

Cho ý kiến về Báo cáo kết quả rà soát, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kết quả rà soát cho thấy hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn. “Kết luận này rất quan trọng, đã giải đáp câu chuyện có những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ.

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động rà soát VBQPPL của Chính phủ đã phát hiện có 18 lĩnh vực trong 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc, bao gồm đấu thầu, đấu giá, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, hợp tác công - tư, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, giám định, định giá.

Bốn lĩnh vực gồm xã hội hóa các dịch vụ công, ngân sách nhà nước, quy hoạch, trái phiếu qua rà soát chưa phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc. Đối với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, qua rà soát cũng phát hiện một số nội dung bất cập, vướng mắc được phản ánh, kiến nghị liên quan đến các luật, nghị định, thông tư thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, khoa học và công nghệ...

Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng lưu ý, qua rà soát cho thấy vẫn còn có vướng mắc trong hệ thống pháp luật, vẫn có những điểm chồng chéo, chưa hợp lý nhưng số lượng văn bản phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn là không nhiều. Nhiều nội dung địa phương phản ánh thực chất không phải do luật có vướng mắc mà là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, hoặc do cách hiểu chưa đúng, hiểu chưa thống nhất hoặc địa phương hỏi nhưng Bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung, cũng có những văn bản ban hành chưa kịp thời...

Tăng cường quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát với lập pháp

ĐB Đỗ Đức Hiển khẳng định, kết quả rà soát có chất lượng tốt. “Qua rà soát, các cơ quan đã nhận diện, chỉ rõ, xác định cụ thể những quy định trong các luật và văn bản dưới luật có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc, gây khó khăn, cản trở sự phát triển; trên cơ sở đó sẽ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị QH sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết”, ĐB nhấn mạnh.

Với quy mô và cách làm như vậy, ĐB cho rằng việc rà soát hệ thống VBQPPL lần này có thể coi như một đợt “tổng rà soát” và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi kết quả rà soát đã góp phần cho thấy rõ hơn “bức tranh” tổng thể về chất lượng của hệ thống pháp luật, các kết quả đạt được, nhất là những tồn tại, hạn chế chủ yếu và nguyên nhân để từ đó có giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Ông Đỗ Đức Hiển cũng cho rằng, việc nhận diện đầy đủ, khách quan các khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật và kịp thời khắc phục cũng là một giải pháp quan trọng góp phần chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm nhưng tìm cách “đổ” cho luật pháp có vướng mắc trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Với kết quả như vậy, có thể thấy rằng, cuộc tổng rà soát hệ thống VBQPPL vừa qua đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của QH, qua đó khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát với chức năng lập pháp.

“Dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, với một nghị định này nhưng các quy định của pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc thì dù có khuyến khích cũng rất khó thực hiện”, ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho biết.

Đọc thêm