Dự luật hiện đã được chuyển cho Tổng thống Joe Biden, người sẽ ký ban hành thành luật sớm nhất vào ngày 20/5.
Dự luật này được thông qua với 364 phiếu thuận và 62 phiếu chống, trong đó, không có phiếu nào đến từ phía đảng Cộng hòa. Thượng viện tháng trước đã thông qua Đạo luật Tội phạm Thù ghét COVID-19 với 94 phiếu thuận và 1 phiếu chống, trong đó Thượng nghị sĩ Josh Hawley là người duy nhất "không bỏ phiếu".
Trong một phát biểu, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ca ngợi đây là một ngày quan trọng, trong khi Hạ nghị sĩ Judy Chu - Chủ tịch của Nhóm nghị sỹ Quốc hội Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương (AAPI) - cho biết: "Một năm sau khi cộng đồng người Mỹ gốc Á kêu cứu, hôm nay Quốc hội đang thực hiện hành động lịch sử để thông qua đạo luật về tội ác hận thù vốn được chờ đợi quá lâu và gửi tới bàn của Tổng thống Biden".
Dự luật trên, do Thượng nghị sĩ Mazie Hirono và Hạ nghị sĩ Grace Meng đề xuất, sẽ tạo cơ sở cho Bộ Tư pháp xúc tiến đánh giá các tội thù ghét liên quan đến Covid-19, tạo điều kiện cho các bang thiết lập đường dây nóng nhằm ghi nhận các hành vi phạm tội thù ghét và các khóa huấn luyện thực thi luật pháp về việc làm thế nào ngăn chặn cũng như xác định các tội phạm thù ghét và trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc với các tổ chức cộng đồng để hỗ trợ nâng cao nhận thức về tội phạm thù ghét trong đại dịch.
Dự luật này không đề cập đến cựu Tổng thống Donald Trump mặc dù nhiều thành viên đảng Dân chủ cảnh báo, những tuyên bố từ ông Trump và các đồng minh của ông, trong đó có cụm từ "virus Trung Quốc" đã kích động nhiều cuộc tấn công bạo lực và tấn công bằng từ ngữ nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, tháng 3/2020, đã có hơn 6.600 trường hợp phạm tội thù ghét nhằm chống lại người Mỹ gốc Á diễn ra. Gần 2/3 trong số đó nhắm đối tượng là phụ nữ.
Việc thông qua dự luật diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi một người đàn ông xả súng giết chết 8 người trong 3 spa của người gốc Á ở Atlanta với 6 người trong số này là phụ nữ gốc Á.