Kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng
“Quốc hội (QH) luôn có ý thức tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như vậy khi điểm lại những thành tựu quan trọng trên cả 3 lĩnh vực thuộc thẩm quyền của QH là lập pháp (lập hiến), giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của QH khóa XV.
Sự đổi mới này đã thể hiện rõ nét trong nhiều hoạt động của QH từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng ngay sau Kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chia sẻ, QH đã thể hiện sự chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc, tiến hành kỳ họp; sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm rất cao của QH, Chính phủ. “Các cơ quan của QH đã làm việc xuyên trưa, xuyên tối trên tinh thần làm hết việc chứ không làm hết giờ. Có những văn bản được lãnh đạo QH ký lúc 2 giờ sáng, có những văn bản được ký lúc 5 giờ sáng để kịp hoàn thiện trình QH. Các đại biểu QH đã làm việc tận tụy, bắt nhịp rất nhanh với yêu cầu công việc của QH, với khát khao cống hiến, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết”, Chủ tịch QH nêu rõ.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi đó diễn biến phức tạp, Văn phòng QH đã bố trí phòng họp trực tuyến, phục vụ lãnh đạo các địa phương vừa tham gia họp QH, vừa có thể làm việc trực tuyến để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương mình, góp phần quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh.
Bước sang Kỳ họp thứ 2, kết quả kỳ họp này cũng là một bước tiến quan trọng để xây dựng QH “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”; làm rõ tinh thần khẩn trương, bám sát thực tiễn, dân chủ và trách nhiệm cao của QH và đại biểu QH đã thảo luận, xem xét, thông qua và cho ý kiến các dự án luật, nghị quyết…, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt và quyết định những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, dài hạn như công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, bảo đảm chính sách an sinh xã hội…
Tại Kỳ họp thứ 5, QH cũng đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Có thể kể đến như tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỉ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, QH cho phép linh hoạt điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. QH cũng sửa đổi, bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và kích cầu du lịch…
Nhiều kiến nghị tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, về chất lượng của các dự án luật trình tại kỳ họp này và quá trình tổ chức giám sát tối cao tại kỳ họp được rất nhiều ĐBQH ghi nhận. Các dự án luật trình tại kỳ họp đều có tính chất quan trọng, tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân, có sự vào cuộc rất sớm, ngay từ đầu của các cơ quan QH. Đặc biệt, chương trình họp đã phân chia thành hai đợt để các cơ quan QH có thời gian thẩm tra, giám sát một cách cụ thể, chính xác hơn.
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên QH cho ý kiến, thảo luận tại hội trường về Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri, đây là một dấu ấn rất lớn trong kỳ họp, tạo sự thành công, lan tỏa không khí nghị trường tới các cử tri, nhân dân.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, kỳ họp đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, hiệu quả với tần suất tranh luận cao của các ĐBQH và sự tranh luận mang tính lợi ích chung, chứ không vì quyền lợi của một cá nhân nào đó. Theo bà Nguyễn Thị Sửu, thời gian kỳ họp đã khá rút ngắn, phương pháp được sắp xếp phù hợp cho những ĐBQH kiêm nhiệm và ĐBQH chuyên trách. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Sửu đề nghị, cần xem xét, điều chỉnh lại các nội dung, cách thức lấy ý kiến để có nhiều ý kiến ĐBQH được tập hợp, tổng hợp vào các dự thảo luật, nghị quyết, đặc biệt là các dự luật, để bớt đi những “sạn, cát”, khuyết thiếu trong các dự thảo.
Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn tại kỳ họp được nhiều ĐBQH nhận xét là một dấu ấn của kỳ họp với sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tịch QH, việc đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn của các ĐB, sự trả lời của các thành viên Chính phủ cũng giải quyết được các bức xúc của cử tri, nhân dân trong thời gian qua.
ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) mong muốn có thể tăng thêm phần chất vấn ở các cơ quan trực tiếp, chứ không ở các bộ trưởng. Chẳng hạn, QH quan tâm đến giá xăng dầu thì có thể chất vấn các đơn vị liên quan đến điều hành giá xăng dầu hay quan tâm vấn đề thuế thì chất vấn Tổng cục Thuế, tức là thí điểm một vài trường hợp cụ thể, giúp hoạt động chất vấn đi vào thực tế, chi tiết hơn.
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, việc lựa chọn vấn đề chất vấn thể hiện trách nhiệm của QH, của các đại biểu; sự trao đổi, trả lời thẳng thắn giữa QH, ĐBQH với các thành viên Chính phủ, kể cả Phó Thủ tướng để cùng làm rõ những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm. Ông Trần Đình Gia tin rằng những lời hứa của các thành viên Chính phủ sẽ sớm đi vào hiện thực.
Với tinh thần, khí thế như vậy được thực hiện nghiêm túc thì các vấn đề mà cử tri quan tâm chắc chắn sẽ được tháo gỡ nhanh chóng.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và xử lý tình trạng đùn đẩy trách nhiệm
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua đã có rất nhiều ĐBQH thảo luận và tranh luận để vừa đưa ra các nguyên nhân, vừa đưa ra các giải pháp để nâng cao được trách nhiệm cán bộ, tăng sự chủ động trong điều hành, tránh tình trạng trì trệ, không dám làm. Câu chuyện một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã làm nóng phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại tổ cũng như tại hội trường. Các ĐBQH nhấn mạnh, cần có “liều thuốc” đặc trị với “căn bệnh” này.
Từ chủ trương, chính sách của Đảng, tại kỳ họp lần này lần đầu tiên QH ghi nhận trong một nghị quyết chính thức của QH về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và xử lý tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV đã nhận định một cách trực tiếp, trực diện tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có nhiều giải pháp được các ĐBQH nêu và gợi mở trong các phiên thảo luận để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.