Quốc hội nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử 'rất đặt biệt'

(Chinhphu.vn) - Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế, đã thành công rất tốt đẹp. -
Đúng 19 giờ ngày 23/5, các thành viên Tổ bầu cử số 12, khu 8, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) bắt đầu mở niêm phong hòm phiếu. Ảnh: phutho.gov.vn
Đúng 19 giờ ngày 23/5, các thành viên Tổ bầu cử số 12, khu 8, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) bắt đầu mở niêm phong hòm phiếu. Ảnh: phutho.gov.vn

Trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/7, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Một cuộc bầu cử rất đặc biệt

Theo đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp. Với tỉ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, Ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế. Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch COVID-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.914 khu vực bỏ phiếu, cử tri đã lựa chọn trong số gần 450.000 người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để bầu những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất, đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Trong bối cảnh khó khăn, tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn tự nguyện, hăng hái, tích cực tham gia bỏ phiếu. Vì vậy, tỉ lệ cử tri đi bầu cử lần này rất cao, đạt 99,60% tổng số cử tri cả nước.

Có thể nói, với tỉ lệ 99,60% cử tri đi bầu cử, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Với kết quả bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

Năm bài học kinh nghiệm

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội đã rút ra năm bài học kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã báo cáo tổng kết cuộc bầu cử.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã báo cáo tổng kết cuộc bầu cử.

Thứ nhất, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị đối với công tác bầu cử là yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử.

Thứ hai,sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Song song với đó là sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm đến mọi người dân với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú trong từng giai đoạn chuẩn bị, kết hợp các phương thức truyền thống với ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại. Bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong việc vận động khuyến khích người dân, cử tri cả nước tham gia vào các bước trong quá trình bầu cử để tạo không khí tin tưởng, phấn khởi đối với cuộc bầu cử, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của công dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp.

Thứ tư, bảo đảm thực hiện tốt quy trình nhân sự; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, quán triệt quan điểm công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và công tác chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội, HĐND các cấp có mối quan hệ mật thiết, mang tính tổng thể, liên thông và có tính kế thừa. Lựa chọn thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc trong việc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các Tổ bầu cử.

Thứ năm, chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế; kiên quyết đấu tranh với các phần tử cơ hội, phản động để bảo vệ thành công cuộc bầu cử; phối hợp chặt chẽ các lực lượng an ninh, quốc phòng, dân phòng và sự ủng hộ của Nhân dân để bảo đảm an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử viên. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về tiến độ triển khai công tác bầu cử; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở; thực hiện tốt công tác bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, chế độ tài chính.

Đọc thêm