Quốc hội Thái Lan tổ chức bầu Thủ tướng mới vào ngày 13/7

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/7, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết đã tham vấn với Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai và 2 ông đã nhất trí sẽ tổ chức 1 phiên họp Quốc hội chung vào ngày 13/7 để bầu ra vị Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Noor.

Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Noor.

Tại phiên họp này, toàn bộ các thành viên của Thượng viện và Hạ viện Thái Lan với tổng cộng 750 nghị sĩ sẽ cùng tham gia tiến hành bỏ phiếu. Theo Hiến pháp Thái Lan, 1 ứng cử viên Thủ tướng sẽ phải cần nhận được sự ủng hộ của hơn 1/2 số thành viên của 2 viện trong Quốc hội, tức ít nhất là 376 phiếu.

Đảng Tiến bước (MFP) hiện là đảng giành được nhiều ghế hạ nghị sĩ nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua và là đảng có quyền đề cử ứng cử viên thủ tướng và thành lập chính phủ trước. Chủ tịch MFP Pita Limjaroenrat đã được liên minh 8 đảng thắng cử đề cử làm ứng cử viên Thủ tướng, tuy nhiên ông Pita có thể sẽ không phải là ứng cử viên duy nhất.

Trước mắt, trong cuộc bỏ phiếu kín tuần tới, ông Pita đã có sự ủng hộ của ít nhất 312 nghị sĩ trong liên minh thắng cử. Liên minh này sẽ phải cần thêm ít nhất 64 phiếu nữa từ các thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ khác để có đủ 376 phiếu ủng hộ.

Nếu ông Pita không thể giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông có thể được đề cử để Quốc hội tiến hành thêm một vài lần bỏ phiếu tiếp theo. Tuy nhiên, hiện ông Wan cũng chưa thể xác định nếu trường hợp này xảy ra thì sẽ phải tiến hành bao nhiêu phiên bỏ phiếu tiếp theo. Ông cho biết, ông sẽ không đặt ra điều kiện gì mà đa số các thành viên Quốc hội sẽ là người quyết định số phiên bỏ phiếu có thể được tiến hành.

Ông Wan nói: “Quốc hội sẽ phải họp cho tới khi bầu ra được Thủ tướng. Theo Hiến pháp, Quốc hội có nghĩa vụ phải bầu ra một thủ tướng để điều hành đất nước”. Ông cũng cho biết, ứng cử viên của liên minh thắng cử, Chủ tịch Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat, có thể sẽ không phải là ứng cử viên duy nhất.

Trong trường hợp các ứng cử viên không nhận được sự tán thành của cả 2 viện Quốc hội, một ứng cử viên bên ngoài có thể được đề cử. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ rất mất thời gian và ứng cử viên bên ngoài này phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 số thành viên của cả Thượng viện và Hạ viện.

Đọc thêm