Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

(PLVN) - Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Một số nội dung được đại biểu quan tâm, góp ý.
Quang cảnh phiên họp sáng 18/6. (Ảnh: T.Nguyên)
Quang cảnh phiên họp sáng 18/6. (Ảnh: T.Nguyên)

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đây là nội dung quan trọng, nên quy định ngay trong dự thảo Luật như phương án 2 của dự thảo.

Tuy nhiên, đối với một số nội dung trong phương án 2 mà dự thảo quy định, Đại biểu Nga đề nghị, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn. Để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.

Cụ thể, bà Nga đề nghị xem xét quy định “Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Ngoài ra, trong dự thảo cũng có quy định việc phân bổ kinh phí cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tại điểm b khoản 2 Điều 30 có quy định “Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn”. Quy định chưa làm rõ trong trường hợp này, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng như thế nào, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm.

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) lại chọn phương án 1: “Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.

Đại biểu phân tích, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Đặc biệt, quy định như trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến thảo luận. (Ảnh: T.Nguyên)

Liên quan đến lao động là công dân nước ngoài, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) lựa chọn phương án 1 của dự thảo Luật - cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có thể gia nhập công đoàn và hoạt động công đoàn tại cơ sở. Theo Đại biểu, đây là quy định mang tính nhân văn, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ảnh 2

Đại biểu Âu Thị Mai. (Ảnh: T.Nguyên)

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài. Trong một số trường hợp như thời hạn của giấy phép lao động cho người nước ngoài không lâu đối với trường hợp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn; rào cản về ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động; người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam khi chấm dứt hợp đồng lao động và không còn cư trú tại Việt Nam... thì quyền lợi của họ giải quyết như thế nào.

Đọc thêm