Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 điều; quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về phòng ngừa bạo lực gia đình, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét nguyên tắc không hòa giải hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 2 Điều 17 vì không thể hiện tính quy phạm. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 18 đối tượng là người có kinh nghiệm hòa giải. Có ý kiến đề nghị ghép nội dung khoản 1 và khoản 4 Điều 18.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bỏ điểm a khoản 2 Điều 17 và chỉnh lý Điều 18 như dự thảo Luật.
Về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Điều 24 quy định cơ quan công an xã có quyền yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ hành vi bạo lực gia đình; trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an xã có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để đưa người được yêu cầu đến trụ sở.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định thời gian người có hành bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở Công an xã và đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục, biện pháp bảo đảm thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan và đã thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 24 theo hướng quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc.
Cùng với đó, bỏ quy định về thời gian người bị bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở Công an xã và quy định về trình tự, thủ tục đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nếu họ không đến như thể hiện tại Điều 24 dự thảo Luật.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chỉnh sửa khoản 3 Điều 33 theo hướng Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và giao cho đại diện cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi của quy định pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định, tổ chức việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đồng thời, khoản 4 và khoản 5 Điều 32 cũng được chỉnh lý tương tự.