Từ hồi tháng 3, các nhà phân tích từng cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ gây sốc cho các quốc gia vùng Caribe do cấu trúc kinh tế phụ thuộc cao vào doanh thu của ngành du lịch. Ví dụ, ở Bahamas, Barbados và Jamaica, đóng góp của du lịch vào GDP là khoảng 34-48%.
Theo Ngân hàng Thế giới và Hội đồng Du lịch Thế giới, kịch bản tiêu cực nhất, có tính đến nguy cơ làn sóng đại dịch thứ hai, giả định rằng đến cuối năm nay, khiến lưu lượng khách du lịch đến khu vực sẽ giảm 75%. Điều này có nghĩa là GDP của Bahamas và các nước láng giềng sẽ thu hẹp 1/4. Theo ước tính sơ bộ, ngành du lịch sụp đổ sẽ khiến các quốc gia vùng Caribe thiệt hại khoảng 44 tỷ USD. Để so sánh: năm ngoái du lịch đã mang lại cho khu vực này gần 59 tỷ USD.
Và vì thế, các nước này cần tìm kiếm các lựa chọn để bổ sung cho sự thiếu hụt nguồn thu.
Bãi biển Seven Mile Beach ở Jamaica. |
Mất đi nguồn thu nhập chính, các quốc đảo đang cố gắng bổ sung ngân sách bằng cách bán quốc tịch để đổi lấy đầu tư, gọi là chương trình "hộ chiếu vàng".
Hầu hết các quốc gia vùng Caribe đều áp dụng chương trình phù hợp cho giới nhà giàu nước ngoài - và bây giờ dịch vụ này đã rẻ đi đáng kể.
"Bây giờ du lịch bị đình trệ, chúng tôi phải tìm các nguồn thu nhập khác để hỗ trợ nền kinh tế" – ông Les Khan, người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề công dân qua đầu tư vào Liên bang Saint Kitts và Nevis, giải thích.
Chẳng hạn, từ giờ đến cuối năm, Saint Lucia giảm một nửa ngưỡng đầu tư cần thiết, xuống còn 250.000 USD/người hoặc 300.000 USD cho một gia đình bốn người.
Saint Kitts và Nevis giảm một phần tư giá quốc tịch. Trong khuôn khổ "ưu đãi đặc biệt" có giá trị đến cuối năm, theo đó quyền công dân cho một gia đình bốn người sẽ có giá 150.000 USD – đó là số tiền phải nộp vào Quỹ phát triển bền vững địa phương.
Giá quốc tịch ở các nước láng giềng như Grenada và Dominica thậm chí còn rẻ hơn, chỉ 100.000 USD.
Trong điều kiện đóng cửa biên giới rộng rãi, hộ chiếu nước ngoài gần như là cách duy nhất để đi du lịch khắp thế giới. Quốc tịch các nước vùng Caribe đảm bảo chế độ miễn thị thực với hàng trăm quốc gia, kể cả Vương quốc Anh và Ý.
Hơn nữa, một ưu thế khiến hộ chiếu các quốc gia vùng Caribe hấp dẫn là, người “mua” quốc tịch vẫn có thể ở tại ngôi nhà cũ, quốc gia cũ của họ, chỉ cần đầu tư và họ sẽ có quốc tịch. Điều này trái ngược với các nước châu Âu như Malta và Síp, vì các nước này đòi hỏi khoản đầu tư cao hơn nhiều, từ 1-2 triệu euro và người muốn có quốc tịch bắt buộc phải sống ở các nước đó. Vì thế, theo Best Citizenships, rất có thể số lượng đơn đăng ký vào các nước này sẽ giảm mạnh.
Phong cảnh ở quần đảo Bahamas. |
Vậy, ai là những "nhà đầu tư"?
Theo công ty Henley & Partners chuyên về đầu tư để nhập cư, trong ba tháng đầu năm nay, nhu cầu có quốc tịch thứ hai đã tăng 42%. Theo chính quyền các quốc đảo, những người nộp đơn xin "hộ chiếu vàng" vùng Caribe chủ yếu là cư dân Trung Quốc và Trung Đông và người Nga.
Nhà đầu tư điển hình là doanh nhân có khối tài sản từ 2-10 triệu đô la.
"Lựa chọn nhanh nhất là quyền công dân của Vanuatu, thủ tục mất khoảng một tháng rưỡi" - Immigrant Invest cho biết. Với các nước vùng Caribe khác, tính cả việc chuẩn bị giấy tờ, quá trình này sẽ mất từ 4-6 tháng.
Các chuyên gia mong đợi một sự bùng nổ trong thị trường này - tương tự như những gì đã xảy ra trong năm 2008-2009, ở đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu.