Nguyên nhân hàng đầu có thể do cách quản lý thời gian chưa hợp lý. Mọi người đang dành thời gian cho gia đình, bạn bè, công việc quá nhiều và không còn thời gian rèn luyện thân thể, đến phòng tập hay đi bộ, chạy bộ ở công viên. Ngoài ra, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nhiều phương tiện công cộng hiện đại ra đời dẫn đến tâm lý chây ỳ và tư tưởng “ngại di chuyển”.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA),Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn.
Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.
Trước hệ lụy đến sức khỏe do lười vận động, Bộ Y tế phát động phong trào thể dục giữa giờ tại công sở, kêu gọi mọi người hưởng ứng chương trình “Sức khỏe Việt Nam”. Mục tiêu là hướng dẫn cộng đồng biết cách vận động, thể dục để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. “Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình. Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, Thủ tướng nói.
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng khuyên cần vận động thể dục, thể thao 1-2 tiếng mỗi ngày. “Đầu tiên chỉ 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, từ 30 đến 60 phút”, bác sĩ Vân nói.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30%. Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” nhằm tăng cường vận động thể lực cho người dân bằng cách phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày, khuyến khích đi bộ hàng ngày.