Theo quy định từ ngày 1/9/2007, học sinh các cấp không được sử dụng xe máy có phân khối lớn đến trường. Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng học sinh đi xe máy tới trường tại TP.HCM vẫn diễn ra phổ biến.
Tại một số trường THPT trên địa bàn như trường THPT Phạm Ngũ Lão, THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), THPT Nguyễn Du quận 10, THPT Mạc Đỉnh Chi (quận 6), THPT Lê Quí Đôn (quận 1)… học sinh vẫn đi các loại xe máy phân khối lớn đến trường.
Quanh các địa điểm trên, có những chỗ giữ xe cho học sinh. Tại bãi giữ xe Nhà Thiếu nhi quận Tân Bình - nơi có trường THPT Trương Vĩnh Ký, tập trung nhiều xe đắt tiền và phân khối lớn như Exciter, Spacy, SH, Airblade…
Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: “Trường có rất nhiều học sinh ở ngoại thành nên nhà trường đã phối họp với những hợp tác xã xe bus để đưa đón học sinh. Tùy vào từng tuyến đường ngắn dài mà có mức giá quy định khác nhau. Việc chi phí đi lại này được sự thống nhất giữa hợp tác xã xe buýt với phụ huynh học sinh”. |
H. một học sinh trường này (đang chạy xe Yamaha Nouvo) khoe: “Nhà em có điều kiện, nhà cách trường khoảng 1 km, nên mẹ sắm cho chiếc xe Nouvo đi cho tiện. Đi chiếc này mình không lỗi thời với mấy đứa bạn, mỗi lần vào gửi chỉ mất mỗi 3.000 đồng tiền lẻ chứ mấy”.
Bên trong sân của một trường ở quận 6 lại có hàng chục chiếc xe máy của học sinh dắt ra dắt vào, chị nhân viên giữ xe của trường chỉ có việc ghi thẻ và lấy tiền. Như vậy, lệnh cấm học sinh đến trường không còn hiệu nghiệm, phải chăng nhà trường đã đồng ý cho học sinh đi xe máy đến trường.
Chị Phương Duyên, phụ huynh học sinh trường THPT Hùng Vương (quận 5) cho biết: “Vì công việc nhiều nên không có thời gian đưa đón cháu được, nên tôi phải mua cho cháu chiếc xe để tự đến trường cho tiện, thời gian còn lại mình lo bương chải”.
Chị Ngân Kim (quận 11) phàn nàn: “Cứ giờ cao điểm mà đi ngang qua các trường học là ám ảnh. Vì ngoài phụ huynh đứng dưới lòng đường đón con em, các em học sinh đi xe máy tụm 5, tụm 7 cũng đứng “tám” không chịu đi. Chỉ cần một chiếc xe buýt đi ngang qua là bị tắc lại và kéo theo hàng trăm phương tiện ở phía sau bị tắc nghẽn theo”.
Vào mỗi năm học mới, Sở GD&ĐT TP.HCM đều có công văn gửi đến các trường trên địa bàn, về việc xử phạt nghiêm đối với những học sinh vi phạm luật an toàn giao thông, do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ cung cấp thông qua Sở GD&ĐT. Ngoài ra, nhà trường còn đưa Giáo dục trật tự an toàn giao thông trong giờ học chính khóa của bộ môn Giáo dục công dân ở tất cả các khối lớp...
Thọ Lang