Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính mà Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
Phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, Bộ Công an đề xuất người dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật nếu bị hư hỏng hoặc bị mất.

Điều 6 dự thảo nghị định quy định rất chi tiết nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ tại các địa phương, đơn vị. Cụ thể, điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi: phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng; có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Điều kiện đối với nơi tạm giữ là bến, âu thuyền, cảng: phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy và các điều kiện quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này trong phạm vi nơi tạm giữ tang vật, phương tiện; đối với nơi tạm giữ là bến thủy nội địa thì ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản này, còn phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội quy hoạt động ra, vào bến, sắp xếp, neo đậu phương tiện.

Đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan hoặc trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp phục vụ cho việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Bên cạnh đó, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện có thể là nơi tạm giữ riêng của một cơ quan hoặc nơi tạm giữ chung của nhiều cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của địa phương và trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xây dựng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung của nhiều cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm ở địa phương mình với hình thức, quy mô thiết kế xây dựng đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện. Đối với cơ quan thường xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức xây dựng nơi tạm giữ.

Trường hợp cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện chưa đủ điều kiện để xây dựng nơi tạm giữ hoặc quy mô xây dựng, điều kiện an toàn nơi tạm giữ không đủ, không bảo đảm để quản lý, bảo quản hết tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thì cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện có thể thuê nơi tạm giữ. Mức thuê, giá thuê theo thỏa thuận và khi thuê nơi tạm giữ phải ký kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện với số lượng ít hoặc tang vật, phương tiện là những vật nhỏ, gọn mà xét thấy không cần thiết phải chuyển đến nơi tạm giữ là nhà, kho, bến, bãi thì người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện có thể quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện đó tại trụ sở cơ quan của mình. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện phải bố trí và giao tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu cho cán bộ trực tiếp quản lý để quản lý, bảo quản.

Đáng lưu ý, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có thể khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, phải kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ khi hết thời hạn bị tạm giữ; yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm