Quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng

(PLVN) - Chiều 23/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan để quy định cụ thể mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động quản lý thuế

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước; Khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là quy định về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.

Về vấn đề này, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết, Khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi quy định hàng hoá, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định của Luật hiện hành thành “dưới mức do Chính phủ quy định”.

Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Do đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành như mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng… để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để đảm bảo tính minh bạch và cụ thể của luật, nên nghiên cứu để có quy định mức cụ thể trong Luật, không giao Chính phủ quy định.

“Hoặc nếu vẫn giao thì đề nghị giao UBTVQH quy định dưới mức nào, không nên để vấn đề đang thuộc thẩm quyền của QH mà giao cho Chính phủ quy định”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho hay, hạn mức 100 triệu đồng quy định tại Luật hiện hành đến nay đã có nhiều bất cập do có sự điều chỉnh về chỉ số giá tiêu dùng, GDP bình quân đầu người.

“Do đó, việc điều chỉnh hạn mức 100 triệu đồng là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo công khai, minh bạch và áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, căn cứ tốc độ tăng GDP bình quân đầu người, tỷ lệ lạm phát trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như tình hình thực tiễn, tôi thống nhất với ý kiến của Cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định mức doanh thu dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT ngay trong dự thảo Luật”, ông Bùi Văn Cường nói.

Tổng thư ký QH cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm thêm hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang tính trợ giúp cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế thực hiện an sinh xã hội, phi lợi nhuận…

Nghiên cứu bổ sung báo chí, xuất bản vào nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT

Phát biểu tại phiên họp, về đối tượng không chịu thuế, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Luật đã liệt kê 26 nhóm không chịu thuế, chuyển 10 nhóm hàng hóa sang diện chịu thuế 5%, 10%.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH cho biết, có nhiều ý kiến doanh nghiệp đề xuất sắp xếp 26 nhóm đối tượng này cho tương thích với phân loại về ngành nghề kinh doanh trong hệ thống các chỉ tiêu ngành kinh tế đối với lĩnh vực thống kê để đảm bảo tương thích giữa kế toán với thống kê với thuế, dễ theo dõi, dễ tra cứu và không bị bỏ sót.

Về đối tượng cụ thể không chịu thuế GTGT, Chủ tịch QH đặt vấn đề về việc đưa lĩnh vực báo chí vào đối tượng không chịu thuế GTGT.

"Hiện nay, báo giấy và báo điện tử đều khó khăn. Trước đây ta nói báo giấy nhưng bây giờ kể cả báo điện tử cũng rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển, nên nghiên cứu thêm đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản”, Chủ tịch QH nói.

Đọc thêm