Quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp là “đốt cháy giai đoạn”

(PLVN) - Thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp sáng 21/5 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Cao Đình Thưởng.

Ông Thưởng phân tích, nếu đưa các quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là chưa phù hợp với hai lý do.

Thứ nhất, mục đích sửa đổi Luật Doanh nghiệp là sửa đổi một số nội dung thiết yếu có liên quan đến những vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh đặc thù, bản chất không phải là doanh nghiệp. Vấn đề này, báo cáo thẩm tra cũng đã thể hiện rõ.

Theo ông Thưởng, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật có thể gây hiểu lầm, chính sách áp dụng giữa các nơi có thể rất khác nhau, một bộ phận cán bộ quản lý có thể coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp và khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục, khó khăn hơn trong hoạt động.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp là các loại hình doanh nghiệp. Nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật thì khi đó là Luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp.

Do đó, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, theo thực tế hiện nay, hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Ví dụ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động. Khi dịch được kiểm soát thì các hộ đã quay trở lại.

Bởi thế, nếu đưa vào Luật thì sẽ "bó tay bó chân", vừa không phù hợp với thực tiễn, gây khó cho hộ kinh doanh. 

Đồng thời, nếu coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp thì thủ tục giải thể, phá sản sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Trong tình hình dịch bệnh vừa qua, liệu cơ quan quản lý có kịp thời xử lý vấn đề về giải thể, tạm dừng hoạt động của hộ kinh doanh hay không?

Từ các phân tích trên, ông Thưởng kiến nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể để điều chỉnh linh hoạt tùy theo mức độ hoạt động, sự đa dạng của hộ kinh doanh trong từng thời điểm và có thể xây dựng thành một luật riêng.

Ngoài ra, thực hiện rà soát, đổi mới chính sách về tăng cường quản lý nhà nước, thu thuế cũng như các chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật…, thúc đẩy các hộ kinh doanh hiệu quả và phát triển thành doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đọc thêm