Quy định mới về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.

Nghị định 34/2023/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về các loại cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, các loại cửa khẩu biên giới đất liền sẽ gồm loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).

Cụ thể, về loại hình cửa khẩu biên giới Nghị định 34/2023/NĐ-CP quy định gồm cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. Và cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối với lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời), được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của cư dân biên giới hai bên và phương tiện, hàng hóa của thương nhân qua lại theo quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.

Lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm hoặc cho các trường hợp qua lại biên giới khác theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu.

Các loại hình cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và đối tượng xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua từng loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa quy định được thực hiện trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia theo quy định của các điều ước, thỏa thuận giữa Việt Nam với nước láng giềng.

Ngoài ra, Nghị định 34/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới. Cụ thể, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu tham mưu cho Bộ Quốc phòng thực hiện nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới trong khu vực cửa khẩu, công trình cửa khẩu; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực cửa khẩu theo quy định pháp luật.

Đồng thời, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; thực hiện thủ tục biên phòng, cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định pháp luật về xuất nhập cảnh; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới, đảm bảo an ninh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu.

Cơ quan Hải quan cửa khẩu chủ trì thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Phối hợp kiểm soát phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Hải quan.

Nghị định 34/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quy định các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu có trách nhiệm thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa Quốc gia.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu có thể thiết lập cơ chế trao đổi, hội đàm với cơ quan hữu quan cửa khẩu phía đối diện để phối hợp giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu.

Đọc thêm