Quy định này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (gọi chung là cán bộ).
Như vậy, theo Quy định, bị miễn nhiệm áp dụng với cán bộ giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm nhưng do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Tức là có 6 căn cứ.
Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Cho từ chức có 4 căn cứ, đó là do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Đối với loại cán bộ khi đã có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng thì với những cán bộ này, đã là đối tượng của cơ quan tố tụng rồi, không thắc mắc được nữa.
Quy định nêu ra nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức và quy trình. Với cán bộ đã bị tổ chức Đảng, chính quyền xem xét miễn nhiệm, theo Quy định thì áp dụng với cán bộ đã bị kỷ luật.
Phải nói rằng, lâu nay trong công tác cán bộ, việc cán bộ đã có vi phạm, khuyết điểm nhưng quy trình miễn nhiệm rất lâu, khó khăn, phức tạp. Việc cán bộ tự nguyện từ chức càng không có. Không phải chỉ trong dân gian mà ngay trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu cũng đã từng nói đến xây dựng “văn hóa từ chức” nhưng hình thành nên “văn hóa từ chức” không hề đơn giản.
Để khắc phục những nhược điểm lâu nay, nhất là cán bộ có sai phạm nhưng vẫn tại vị kéo dài, gây bức xúc dư luận, quy định của Bộ Chính trị về xem xét miễn nhiệm, từ chức không quá 15 ngày làm việc. Theo đó, quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức được thực hiện khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức. Chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
Hy vọng với Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị sẽ góp phần hình thành nên thông lệ, dần dần xây dựng được “văn hóa từ chức” lành mạnh trong cán bộ.