Quy định về cai nghiện ma túy: Còn nhiều lỗ hổng!

(PLVN) - Phát biểu tại Hội thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy diễn ra hôm qua (ngày 16/12), ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục PCTNXH cho biết, thời gian tới Cục sẽ  đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về cai nghiện
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục PCTNXH cho biết, thời gian tới Cục sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về cai nghiện

Một số quy định rất khó thực hiện

Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) cho biết, công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất.

Cụ thể, Luật XLVPHC quy định cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng, đặc biệt là ma túy tổng hợp; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.

Luật XLVPHC quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế thì việc xác định nơi cư trú ổn định là vấn đề khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cư trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, gần 100% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định, còn các tỉnh phía Bắc thì đối tượng rất ít.

Luật PCMT giao UBND cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi tại cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn khó khăn, mà cai nghiện ma túy đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp, mang tính hình thức, không hiệu quả, các địa phương không thực hiện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, những năm gần đây ma túy tổng hợp và nhiều chất hướng thần khác xuất hiện ở Việt Nam có độc tính cao, nhưng việc xác định tình trạng nghiện rất khó khăn, nhiều loại ma túy chưa có phương pháp, công cụ xác định tình trạng nghiện.

Những trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác thì việc xác định nơi cư trú ổn định rất khó khăn, có khi bất khả thi. Và khi xác định được nơi cư trú thì việc bàn giao theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 103 Luật XLVPHC là bất khả thi với UBND cấp xã (về thẩm quyền, nhân lực, phương tiện, tài chính).

Trong một cơ sở cai nghiện ma túy
 Trong một cơ sở cai nghiện ma túy

Điều 131 Luật XLVPHC quy định giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định là không khả thi, bởi hiện nay không có tổ chức xã hội nào có đủ cơ sở vật chất, nhân sự để quản lý người nghiện. Cũng do những vướng mắc của Luật PCMT và Luật XLVPHC nên việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn và việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật từ năm 2015 đến nay cũng không thể giải quyết triệt để được những tồn tại hiện nay. 

 Khoảng trống trong cai nghiện với người dưới 18 tuổi

Tại Hội thảo, một vấn đề khác được các đại biểu thảo luận là việc cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với người nghiện ma túy tử đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định về áp dụng biện pháp này với nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi; trong khi đó khoản 1 Điều 29 Luật PCMT 2000 quy định: “Người nghiện ma túy tử đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”.

Tuy nhiên, việc cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp này thì không bị coi là áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Để quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật nói chung, người nghiện ma túy nói riêng, tránh sót lọt, trùng lặp đối tượng, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật PCMT theo hướng: Chỉ quy định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với người sử dụng trái phép chất ma túy và được xác định là người nghiện ma túy với người từ đủ 18 tuổi.

Với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi mà bị nghiện ma túy chỉ nên thực hiện các biện pháp cai nghiện kết hợp quản lý, giáo dục tại cộng đồng, gia đình hoặc cai nghiện tự nguyện; nhưng vẫn phải có sự giám sát, tư vấn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương theo chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội và trách nhiệm cộng đồng với những người này.

Về vấn đề này, cơ sở cai nghiện ma túy tại Hải Phòng đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC; đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên; đề nghị điều chỉnh người nghiện từ đủ 12 tuổi trở lên vì hiện nay từ thực tiễn gia đình có con em nghiện các chất gây nghiện có nhu cầu muốn được vào cơ sở nhưng không đủ điều kiện.

Còn theo đại diện Công an TP Hà Nội, cần quy định, hướng dẫn cụ thể biện pháp quản lý, cai nghiện với người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (nội dung này chưa được điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật).

Bên cạnh đó, đề nghị đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vào điều chỉnh của Luật Hình sự (chế tài nghiêm khắc hơn để ngăn chặn, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội); quy định về chế tài xử lý với người nghiện, gia đình người nghiện không khai báo về tình trạng nghiện ma túy. 

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, thời gian tới Cục sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật PCMT, Luật XLVPHC về các chính sách liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma tuý; đồng thời nghiên cứu đề xuất chính sách về dự phòng nghiện ma tuý theo chuẩn quốc tế.  

Liên quan lĩnh vực phòng chống ma túy, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, đơn vị đang triển khai sử dụng máy thử ma túy loại mới trên các tuyến quốc lộ nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng chất kích thích. Với loại máy này, lực lượng chức năng chỉ cần lấy mẫu nước bọt hay nước tiểu của lái xe để thử, máy sẽ cho kết quả nhanh.

Khi thử nghiệm thiết bị mới trên, ngoài lực lượng CSGT còn có các lực lượng khác của Bộ Công an và đơn vị cung cấp thiết bị giám sát.

Thời gian qua, Cục CSGT liên tục phát hiện nhiều trường hợp lái xe dương tính với các kết quả thử ma túy và xử lý nghiêm. Có trường hợp bị tước bằng vĩnh viễn. 

Theo kế hoạch, từ 15/12/2019 đến 14/2/2020, lực lượng CSGT các đơn vị thuộc Cục và các địa phương tiến hành cao điểm đợt 2 để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên cả 3 tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy… qua đó giúp người dân lưu thông an toàn, đón Tết vui vẻ.

Đọc thêm