Quy hoạch tỉnh là “xương sống” để Thanh Hóa phát triển toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây vừa là thách thức, là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phát triển toàn diện và trở thành tỉnh kiểu mẫu của cả nước trong những năm tới.
Thanh Hoá đang từng bước khẳng định là địa phương có sự phát triển ấn tượng đột phá.
Thanh Hoá đang từng bước khẳng định là địa phương có sự phát triển ấn tượng đột phá.

Ngày 27/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.

Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Có thể nói, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa là thách thức, là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng thời, phát triển toàn diện và là tỉnh kiểu mẫu của cả nước trong năm 2045. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu trên đòi hỏi toàn tỉnh Thanh Hóa cần có sự đồng lòng, đoàn kết, nhanh chóng vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, ngay sau khi Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực thi hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương thực hiện đầy đủ các bước, từ khâu xây dựng và trình phê duyệt nhiệm vụ đến việc tổ chức lập quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các bên liên quan, hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch, với phương châm làm đến đâu, bảo đảm chất lượng đến đó.

Bên cạnh đó, trong quá trình lập quy hoạch, các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh lân cận và các tỉnh là cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch, làm cơ sở trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua.

Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đưa ra các quan điểm rõ ràng, cụ thể như: tỉnh phải phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; Tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, Phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho Nhân dân.

Về vấn đề này, Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, các quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh đã thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời, đã kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước, một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Ngoài ra, tính đột phá, tầm nhìn chiến lược của Quy hoạch tỉnh còn được thể hiện trong từng nội dung của quy hoạch, đó là việc mạnh dạn xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thì mới thực hiện được.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định rõ: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch là 03 ngành quan trọng, là trụ cột để phát triển của tỉnh. Cụ thể:

Với công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với nông nghiệp trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh với 03 loại hình chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa; đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về du lịch của cả nước.

Cũng theo, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch tỉnh, công việc đầu tiên cần thực hiện là tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố và quán triệt các nội dung chính, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh đến tất cả các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo ngành tuyên giáo, thông tin và truyền thông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí đăng tải rộng rãi các điểm chính, cốt lõi của quy hoạch tỉnh để phổ biến, phổ cập đến các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, tạo cơ sở vững chắc để triển khai các bước tiếp theo.

Có thể thấy, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa với khu vực và cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Đọc thêm