Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục: Điều gì sẽ xảy ra khi học sinh phải im lặng?

(PLVN) - Thông tư 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục sẽ có hiệu lực từ ngày 28/5. Trong đó quy định, học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục…
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy định còn chung chung

Theo đó, giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng…

Học sinh khi ứng xử với bạn bè, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác…

Như vậy, có hai đối tượng chính mà quy định này nhắm đến, đó là giáo viên và học sinh. Nội dung chung mà hai đối tượng này phải thực hiện đó là không được lên mạng thông tin, tuyên truyền, phê phán tất cả những gì mà ngành Giáo dục cho là “làm xấu hình ảnh” của ngành mình.

Theo nhà báo Phan Đăng, ai cũng nói về việc phải tạo ra một môi trường giáo dục lấy người học làm trung tâm, thế nhưng quyền được nói lên sự thật của “đối tượng trung tâm” lại đang bị đe doạ bởi những quy định “kỳ quặc”, “không giống ai” của chính ngành Giáo dục.

Nếu như bị cấm, một em học sinh ở Sơn La, Hà Giang hay Hoà Bình không thể lên mạng xã hội viết về những bức xúc thấy trong lớp về trường hợp một bạn học lực yếu, vậy mà điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn là 3 điểm 9. Hơn ai hết, chính các học sinh sẽ phát hiện ra điều bất thường khi bạn mình có học lực kém nhưng đi thi, gặp đề khó lại có điểm cao.

Do đó, nếu tình huống như vậy tiếp tục xảy ra trong tương lai, liệu những em học sinh trên có bị quy kết là “phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” như nội dung Thông tư 06 hay không? Phạt vì dám nói lên mạng xã hội những điều mà theo người lớn là “nói xấu”!

Phạt vì dám nói ra những bức xúc có thật mà theo ngành Giáo dục là dễ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục! Vậy thì từ nay về sau học sinh còn dám nói ra tất cả những suy nghĩ thật của mình nữa không? Dù từ lâu, ngành Giáo dục vẫn khuyến khích việc xây dựng một nền giáo dục khai phóng, nơi học trò được tự do tư duy, suy nghĩ theo cách của mình dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của thầy cô.

Và nếu tiếp tục như vậy, những “ung nhọt” như “thầy giáo” dâm ô, gạ tình, học sinh đánh bạn như thời trung cổ… có thể sẽ không bao giờ bị phát hiện. Hoặc nếu có, sẽ là “trong nhà bảo nhau” bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thành tích của nhà trường. Đồng thời, nhiều người cũng cho rằng, nói như thế nào được coi là “nói xấu”? Bởi quy định này vẫn chung chung, không rõ ràng. 

Không quản được là cấm?

Cộng đồng xã hội đã phản ứng như thế nào với quy định trên? Anh Minh Đức (Hà Nội) bày tỏ: “Chúng tôi lớn lên trong thời bao cấp, cái thời mà mọi thông tin đều được nghe từ loa xã, loa thôn. Nhiều khẩu hiệu được treo ở những chỗ đông người qua lại... thế mà nhớ và thấm trong lòng. Theo tôi, các trường cũng nên thử dùng phương pháp này.

Ví dụ hãy treo các khẩu hiệu “Hãy sống và làm việc để xứng đáng mình là một nhà giáo”, “Hãy rèn luyện trở thành những học trò ngoan, để được nhiều thầy cô và bạn bè quý mến”,  “Các bạn học sinh nam hãy thể hiện sự lịch thiệp trong giao tiếp, để mình được các bạn nữ nể trọng, quý mến hoặc các bạn nữ hãy thể hiện mình là một nữ sinh duyên dáng, để khi qua tuổi học trò gặp lại nhau nghe các bạn nhắc về mình nhiều điều thật dễ thương”…

Một quan điểm khác cho rằng nền giáo dục bản lĩnh là giúp người học nhận thức được đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là vùng tự do, đâu là vùng cấm kỵ. Ngược lại, một nền giáo dục yếu đuối là một nền giáo dục có xu hướng tìm cách bảo vệ sự an toàn của mình bằng hàng loạt các mệnh lệnh kiểu... “không quản được là cấm”. Chưa kể tới những điều cấm này có thật cần thiết nữa không khi đã có Luật An ninh mạng với những quy định tương tự?

Có thể nói, không phải cứ hô hào rằng học trò phải tôn trọng thầy cô, nói xấu thầy cô là cấm kị, là các em sẽ tăm tắp nghe theo. Bởi điều quan trọng, thầy cô với ý nghĩa cao đẹp của đạo làm thầy, không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn dạy trò chính bởi sự tận tâm, lòng trung thực và thẳng thắn của người thầy. Chứ không phải những trí trá, “đánh tráo khái niệm” trước những đau lòng triền miên của ngành Giáo dục, của không ít người thầy đã lạc lối…

Đọc thêm