Phương châm “tìm người tài, không tìm người nhà” dường như quá mới mẻ, chưa đi vào cuộc sống, trong khi cái cũ đang tồn tại, hầu như địa phương nào, cơ quan nào cũng có hiện tượng người nhà của thủ trưởng đông đúc, chiếm thế thượng phong, rộng lớn như một tỉnh ở Hà Giang hoặc đơn lẻ như một Trung tâm Pháp y ở Đà Nẵng.
Có huyện, con gái kế thừa sự nghiệp vẻ vang của gia đình, thay bố làm Chủ tịch thì những việc tuyển người, ký hợp đồng, bổ nhiệm, chuyển viên chức thành công chức,... xảy ra những chuyện lình xình, gây hệ lụy không tốt cho xã hội trải qua hai thế hệ với “quy trình” như nhau khiến dư luận hết sức bức xúc.
Có những việc sai phạm rất rõ ràng nhưng lại biến thành “nhạy cảm, phức tạp” và để giải quyết nó thì rơi vào mớ bòng bong thẩm quyền, trách nhiệm chẳng rõ thuộc cơ quan chức năng nào. Rõ nhất là trong lĩnh vực xây dựng, xây không phép, quá phép thì tất nhiên là phải tháo dỡ, rất đơn giản là vậy. Nhưng không, hóa ra sự việc phức tạp hơn nhiều và phần lớn không xử lý được hoặc tiến độ xử lý rất chậm.
Cái “quy trình” đó được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ ra là “nhắm mắt làm ngơ” thì có năm ba chục triệu bỏ túi. Đó chỉ là công trình nhỏ lẻ của người dân thôi, còn những công trình sai phép khổng lồ hẳn nhiên không thể chỉ bằng số đó mà lớn hơn rất nhiều. Cái quy trình do đồng tiền vận hành này có sức mạnh ghê gớm làm sao!
Cũng tuân thủ một quy trình nào đó mà một cán bộ đương chức, đương quyền bỏ công sở, đi đâu mất tích mà cơ quan chủ quản không hay, không biết ai là người quản lý nữa. Đến lúc này người ta mới nhận ra là quy trình bắt người trốn ra nước ngoài là rất khó khăn, cũng như tài sản đã tẩu tán ra nước ngoài thì khó thu hồi. Ngược lại, chúng ta có một quy trình rất chặt chẽ là yêu cầu người bị oan sai đòi bồi thường phải có hóa đơn, tù có hóa đơn thì phải là đầu óc siêu việt lắm mới nghĩ ra được.
Gần đây, duy nhất có một vụ phát hiện sai quy trình, đó là việc vỡ cống dẫn nước ở thủy điện Sông Bung. Nước bung ra khiến người chết, tài sản bị thiệt hại, người sống sót bị một phen kinh hoàng, thủ phạm là do trời mưa to và chính là “tích nước không đúng quy trình”!
Đã đến lúc người dân không tin vào giải thích “đúng quy trình” nữa, bởi cái quy trình đó phải là biểu hiện của cái đúng, hợp lòng dân, ngoài quy trình ra còn là thái độ hành xử, đạo lý và nhân cách. Vì thế, “đúng quy trình” không thể là “bảo bối” được đưa ra để xóa nhòa những việc làm trái tai, gai mắt, dư luận bất bình!