Quyền được ở an toàn, không phải nơi tiềm ẩn nguy cơ mất mạng

(PLVN) - “Thảm họa” là từ do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Bệnh viện Bạch Mai nói về mô hình cấp cứu bệnh nhân vụ cháy “chung cư mini” xảy ra vào 23h ngày 12/9 tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhiều nạn nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc khí CO, có người từ lầu cao nhảy xuống nên còn bị đa chấn thương; Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng mô hình cấp cứu thảm họa cháy để cứu chữa những nạn nhân trong vụ cháy này.
Hiện trường xảy ra vụ cháy tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Từ “chung cư” với ngôi nhà xảy ra cháy, cũng phải đặt trong “nháy nháy”. Theo các quy định của Luật Nhà ở và Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng… thì ngôi nhà trên dù có đến hơn 40 “căn hộ” với khoảng 150 người sinh sống, cũng không thể được gọi chung cư. Thị sát hiện trường ít tiếng đồng hồ sau vụ cháy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Minh đã chỉ rõ: “Nhà xây dựng 10 tầng, 45 hộ như “chung cư mini” mà không có lối thoát nào thì về nguyên tắc là không được”.

Thế nhưng từ vài năm nay, tại một số tỉnh, thành, đặc biệt là tại các đô thị lớn “đất chật người đông”, một số cá nhân đã xây lên những căn nhà rồi chia phòng cho thuê hoặc bán “chui”, thậm chí có trường hợp được bán hợp pháp vì có “sổ hồng”. Với mức giá “dễ chịu”, thuộc “phân khúc” lơ lửng giữa nhà trọ và chung cư, nhà đất; nên “chung cư hộp diêm” mọc lên ngày càng nhiều.

Và vụ cháy bùng lên vào giữa đêm 12 rạng sáng 13/9, đã làm kinh động bàng hoàng dư luận, làm chúng ta rơi nước mắt đau xót với mất mát của các nạn nhân và thân nhân, làm dấy lên nghi ngại với các “chung cư mini”. Căn nhà cao đến 10 tầng với hơn 40 “căn hộ” mà không lối thoát hiểm, nằm ở khúc zích zắc trong con ngõ có đoạn chỉ hẹp 2 - 3m; nên khi xảy ra cháy, nhiều nạn nhân không có đường thoát, vì không chịu nổi khói, đã phải buông mình xuống đất. Không ít nạn nhân đã ngạt khói, bị lửa tấn công, tử vong ngay trong chính “căn hộ” của cái gọi là “chung cư mini” này. Lực lượng cứu hỏa dù được trang bị rất hiện đại với những xe thang, xe cứu hỏa, xe đục tường, phương tiện cơ giới… cũng đành “bó tay” đậu ngoài đường không thể tiếp cận hiện trường. Các chiến sĩ cứu hỏa đành phải dùng thang cá nhân, dùng sức leo lên các “chuồng cọp” tiếp cận nạn nhân, tay không bế người chạy ra xe cứu thương cho đến khi kiệt sức…

Để không còn những thảm họa kinh hoàng như vậy, cần phải dũng cảm nhìn vào nguồn cơn hình thành nên “trào lưu” xây “chung cư mini”. Từ 2020, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản phản ánh có những nhà “chung cư mini” xây trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không đủ điều kiện được cấp “sổ hồng” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội.

Một trong những nguyên nhân, là Điều 46 Luật Nhà ở 2014 cho phép hộ gia đình, cá nhân tại đô thị được phép xây nhà ở 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, sở hữu chung; thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu với từng căn hộ trong nhà ở đó. Lợi dụng quy định này, một số đối tượng dù chưa thực hiện đủ thủ tục vẫn xây và công trình chưa đủ điều kiện, nhưng vẫn quảng cáo “chung cư mini” rồi cho thuê, hay bán “chui”.

Ai cũng có quyền được có nơi ở. Nhưng đó phải là nơi ở an toàn; chứ không phải là nơi ta có nguy cơ mất mạng. Chúng ta cần dũng cảm rút ra bài học xương máu sau vụ cháy thảm khốc này, để nhận diện những “chung cư mi ni” không phép, sai phép là nguồn cơn của “tử thần”; và phải kiên quyết dẹp bỏ; không thể nại ra lý do nào khác.

Đọc thêm